Tuesday, July 28, 2009

Đào Vàng




Đáp Xe Đò Hoàng Đi Đào Vàng Ở Arizona

* * *

Tôi mới đi đào vàng ở Arizona về.
Lên đó có mấy ngày mà nắng gió sa mạc làm rám hết má hồng.
Xe đò Hoàng nổi tiếng khi chạy đường Little SG đi San Jose, bây giờ lại có chuyến chạy đến thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona.
Xe khởi hành trước chợ ABC khu phố Bolsa lúc 9g sáng thì hơn 10g đã vào tới vùng sa mạc khô cằn. Tuy thỉnh thoảng cũng có đồng cỏ cho bò ăn, hoặc những vườn cây chà là, nhưng đất đai hầu hết là hoang mạc, nhất là khi đã qua khỏi biên giới hai tiểu bang.
Cách đây mấy năm tôi có viết một bài về công ty xe đò Hoàng, ngay sau khi tài xế, người xếp đồ bị hành hung; xe đò bị đốt; chủ nhân Hoàng Linh bị sát thủ kê súng sát cửa kiếng xe bắn sáu phát mà thoát chết; cảnh sát đã bắt được hai người tình nghi nổ súng... Nay tôi lại có dịp nói về công ty này một chút trước khi đề cập đến mỏ vàng.
Hồi đó vì sợ xe bị đốt nữa, nên công ty này đã phải thuê xe đò của một công ty Mỹ, bao gồm cả tài xế và bảo hiểm, như vậy đối thủ sẽ không dám đụng tới như họ đã đối xử với công ty người Việt 100% này.
Bây giờ tòa đã xử, nhiều người bị án chung thân, và hầu hết chúng ta cũng đã biết ai đứng đằng sau việc khủng bố này. Họ tưởng rằng dựa vào tiền bạc và thế lực xã hội đen là có thể dẹp gọn, nuốt trọn một công ty hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ.
Công ty kia đã bị phá sản nên bây giờ kể như Xe đò Hoàng một mình một cõi.
Tuyến Bolsa -San Jose hiện nay mỗi ngày có hai chuyến đi và hai chuyến về, cuối tuần thường là ba chuyến, như vậy cần có ít nhất là 6 chiếc bus loại lớn. Những ngày trong tuần, ít khách thì xe được thay phiên đưa đi bảo trì thường xuyên.
Nhiều người tưởng loại xe này chắc chỉ chừng vài ba trăm ngàn một chiếc, nhưng không ngờ giá nó lên tới gần nửa triệu. Tiền nào của nấy, xe tốt thì giá mắc và họ guaranty lên tới 1 triệu mile, trong khi xe thường của mình lên tới 100,000 mile mà thôi.
Nếu đường từ đây đi San Jose khoảng gần 500 mile thì cứ hai ngày chạy một ngàn dặm, vị chi 5 năm là đã chạy khoảng một triệu dặm rồi.
Xe nhỏ như loại chạy đi Arizona hiện nay chừng vài năm là họ bán để thay bằng xe mới, nhưng loại lớn cả nửa triệu thì chắc phải dùng gần 10 năm mới cần thay thế.
Tài xế xe đò Hoàng hiện nay hầu hết là người Việt, đã từng lái xe truck hay xe tải đường dài. Muốn lái xe truck hay xe bus, tiếng Việt mình còn gọi là xe đò, cần phải có bằng lái đặc biệt, loại A hay B. Tất cả tài xế xe đò Hoàng đều có bằng A hoặc B, không như chúng ta, chỉ được cấp bằng C, loại bằng thông dụng nhất để lái xe nhỏ.
Tài xế xe đò thì thoải mái hơn tài xế xe tải, và đương nhiên, ít lương hơn.
CHP (California Highway Patrol) thường chặn các xe truck mà kiểm soát an toàn. Họ dùng ghế có bánh xe, nẳm ngửa mặt mà chui dưới gầm xe, nếu có một giọt dầu rỉ ra khu vực máy là bị ốp liền. Họ còn kiểm các cơ phận dưới gầm cũng như đo độ dầy của bố thắng, độ mòn của bánh xe.
Người tài xế xe truck còn cần phải có kinh nghiệm load hàng, để khi vào trạm cân, đầu xe 15 tấn, axle (trục bánh xe) giữa là 30 tấn và phía cuối xe cũng 30 tấn. Nếu chất hàng không đúng, để lố trên một axle nào đó thì tài xế phải bỏ tiền túi ra mà nộp phạt $1,000 một lần vi phạm. Xe chất hàng không đều, thí dụ phía sau nặng quá, lúc thắng gấp xe thường bị "bê" có thể gây ra tại nạn khủng khiếp trên freeway nữa.
Xe có dán một hình chữ nhật trước kiếng, CHP chỉ cần nhìn dấu hiệu này mà biết độ an toàn của chiếc xe đó, nếu bị cảnh cáo một lần thì CHP xé một phần tư, hai lần thì xé một nửa.
Khi vào trạm cân, người ta nhìn mặt tài xế, nếu thấy anh nào mặt phờ phạc, liền check lộ trình và giờ lái xe, chỉ được lái liên tiếp 10g mà thôi, nếu quá lố thì họ bắt buộc ngừng lại để tài xế ngủ lấy lại sự tinh nhanh cho an toàn. Nếu tài xế đi một team từ hai người trở lên, thì xe có thể chạy luôn 24g/ngày, nhưng tài xế phải thay phiên nhau mà lái, phải ghi rõ trong log của xe đó để khi bị kiểm soát thì trình ra.
Tôi đến thành phố Phoenix trong một chiều chẳng có nắng tơ vàng hiền hòa gì cả, nắng khô khốc quạt vào mặt, nóng quăn cả râu.
Xe đò ngừng tại tiệm Lee 's Sandwiches ở Chandler-Arizona. Anh Minh chạy xe ra đây đón tôi, định rủ vô uống cà phê theo gout Pháp và ăn bánh mì baguette nhưng tôi từ chối, vì từ nhỏ không thích uống cà phê, cũng như nếu ăn bánh mì vỏ cứng là da non trong miệng rách toè loe ra xót lắm. Anh ấy cứ khen không biết tiệm Lee pha bột thế nào mà mua bánh từ hồi sáng, để tới chiều vẫn còn thơm ngon.
Khu thương mại đối diện có một siêu thị lớn như ở Bolsa, mà vì mới xây nên sạch sẽ, thơm tho không ngửi thấy mùi hôi hám gì hết.
Gần đó có tiệm phở Vân, phở ở đây hương vị cũng không khác khu Bolsa. Parking rộng rãi nắng sáng lòa, tôi thấy vậy than nóng quá, nhưng anh bạn đến đón tôi về Mesa thì nói rằng nóng vầy ăn nhằm gì, cách đây 3 năm khi gia đình anh ấy mới về đây nóng tới 117 độ, nóng toé khói, nắng làm rạc người đi." Chúng tôi về nhà đợi mặt trời gần lặn thì xách cần đi câu.
Chữ Mesa có nghĩa là đồng cỏ, hèn chi thành phố này vì có mạch nước ngầm nên cánh đồng bắp xanh tươi đang trổ bông rất đẹp. Từ hồi còn nhỏ tôi đã có mỹ cảm với cây bắp nên nhìn những cây bắp mọc sát vào nhau, bông phất phơ trong gió tôi cảm thấy lòng mát dịu ngay lập tức.
Lúc ra đến một hồ nước rất rộng ở thành phố Gilbert, anh Minh gặp một người bạn là anh Cân đang quăng mồi, chị ấy ngồi kế bên như cặp Tiên đồng Ngọc Nữ. Ông này là cựu Thiếu sinh Quân, cựu Khóa 21 VB Đà Lạt, cựu nhân viên Bưu Điện California.... cựu tùm lum.
Anh ấy nghỉ hưu sớm để dời về Arizona. Tôi ngạc nhiên là tại sao anh ấy rời Cali, một nơi mát mẻ để vào sống nơi sa mạc như vậy. Nghe anh Minh vừa cười vừa tiết lộ là trong mấy năm vừa qua, anh Cân đi đào vàng, nghe nói có lần dzớt được một cục nugget nặng hơn 5 pound.
Hèn chi ổng mua nhà lớn, sắm xe đẹp, mỗi tuần đi đào vàng vài ngày, những ngày còn lại hai vợ chồng đi câu cá chơi mà thôi, tướng tá ngon lành, râu tóc bạc phếu trông rất tiên phong đạo cốt.
Nói chuyện một hồi mới biết ổng cũng là Cựu Pilot Trực Thăng của một phi đoàn mãi tận Pleiku. Ổng diễu diễu giới thiệu phu nhân đang cười ngồi kề bên chính là sơn nữ Phà Ca của "Phố núi cao, phố núi đầy sương" ngày xưa, khi anh đi biên trấn Vùng II.
Cá hôm nay ăn không liên tục, "nhiều con to bằng bàn tay xoè", chừng 9g tối chúng tôi về ăn một bữa nữa rồi mang bia ra uống cạnh hồ tắm.
Anh chị Minh trồng rau cỏ, hoa trái xanh tốt quá, nhất là mấy bụi chuối đẹp không thua gì hàng chuối sứ tôi trồng bên Quận Cam.
Bầu trời sa mạc trong veo, tinh tú như gần với chúng ta hơn, ánh đèn máy bay chớp tắt bay đầy trời. Đó là những máy bay tư nhân, họ chở vợ con bạn bè đi ngắm đèn thành phố về đêm. Khoảng 11g khuya chúng tôi mới đi ngủ để sáng hôm sau đi mỏ vàng.
Sáng dậy sớm, cần cổ tôi tự nhiên cứng ngắc, không quay qua quay lại được. Nó đau làm tôi suốt đêm không ngủ nghê ra hồn, chắc là hôm qua ngồi trên xe đò tôi cứ nghiêng đầu liếc nhìn một cô mặc áo trễ ngực ngồi hàng ghế bên kia, nên bây giờ mới bị vẹo đầu như thế. Đúng là thiên bất dung gian.
Điểm tâm sơ sơ xong là chúng tôi lên đường đi Apache Trail để vào mỏ vàng.
Ông Thái Vinh, một cư dân vùng này đã viết trên trang nhà của ổng (unclenguyen.com) như vầy thì quí vị coi sao không mê cho được (?) Mình phải đi săn vàng ngay đi chứ, biết đâu mèo mù vớ cá rán, trời thương thì giàu nứt đố đổ vách ngay:
"Dạo ấy vào năm 1872 Jacob Waltz và Jacob Weiser, hai đại hành gia gốc Đức chán cảnh thường nhật xắn quần xúc cát đãi vàng với các bà sồn sồn dọc hai bên bờ sông Salt nắng chang bang, bèn âm thầm rủ nhau phiêu lưu đi vào vùng rừng núi hoang dã Tonto ở phía đông Phượng Hoàng Thành. Bẵng đi một thời gian, mọi người đã quên lãng, thì cả hai lại trở về, người ngựa nhuễ nhoại ì ạch kéo theo vô số túi vải chứa đầy vàng cục. Từ đó hai đại hành gia sống một cuộc đời đế vương, ăn chơi trác táng, coi tiền như rác! Lúc nào hết, đợi đêm thanh vắng cả hai lại lên ngựa âm thầm vào Núi Mê tha của về xài. Một hôm Jacob Weiser bị mất tích một cách bí mật. Người ta đồn rằng Jacob Waltz đã dùng đá đập nát đầu bạn để hưởng thụ kho vàng một mình. Chừng như hối hận, về cuối đời Jacob Waltz tích đức làm nhiều việc thiện và mất năm 1889, thọ 80 tuổi. Ông để lại lời trối trăn về sự bí mật của mỏ vàng trong Núi Mê cho người bạn gái. Ròng rả suốt 40 năm, người bạn gái ấy cùng với người con nuôi của nàng, hợp lực với người cha và chú của người con nuôi ra sức moi móc, cuốc bửa, và đục đẽo khắp rặng Núi Mê; và mấy trăm năm sau nữa còn biết bao người tiếp tục âm thầm khám phá mỏ vàng ấy. Đã có biết bao mạng người đã gục ngã vì điều kiện khí hậu sa mạc quá khốc liệt; nhưng kết quả chẳng có gì!" (Hết trích)
Tên mấy cái bộ lạc Da Đỏ vùng này sao khó đọc bỏ bu: Cherokee, Apache, Sioux, Nezpierce... nhưng không hiểu vì lý do gì mà người ta thường lấy tên mấy bộ lạc mà đặt tên cho xe truck và trực thăng vậy (?)
Từ Mesa chúng tôi chạy xe chừng vài chục phút thì đã thấy núi Mê (Superstition Moutain) sừng sững trước mặt. Phía trái rặng núi có những cột đá chĩa lên trời như những ngón tay, cũng có thể kho tàng đã được dấu tại một trong những ngón tay khổng lồ này.
Bên phải con đường là một Viện Bảo Tàng. Nơi đây còn để lại nhiều di tích lý thú: Ngay tại cổng là một chảo gang thật lớn như bánh xe hủ lô. Chảo này dùng để nấu chảy quặng vàng còn đang lẫn lộn trong đá. Khi vàng đã nóng chảy ra rồi, họ rót nó ra và trong chảo chỉ còn đá thôi.
Phía xa xa là một máy đập đá. Với kỹ thuật hồi đó, máy như vậy là "hoành tráng" lắm rồi, nhưng nếu bây giờ còn khai thác vàng lẫn trong đá núi như vậy người ta chỉ cần dùng máy nghiền đá đơn giản như loại trong các bãi trộn bê tông là đủ.
Tại các mỏ bên Việt Nam (Bồng Miêu -Đà Nẵng- Quảng Nam) hay ở giòng sông Salt, hoặc một số mỏ bên California, mảnh vàng nhỏ li ti nằm lẫn trong cát gọi là sa khoáng, người ta phải dùng những chảo mà sàng lóng những mảnh nhỏ vàng, còn tại nơi này, chỉ có những người Mễ hồi khởi đầu mới dùng búa, cối đá mà giã đá cho nhỏ ra rồi mới sàng lọc panning trong giòng nước.
Kể từ khi ông Jacob Waltz (1810) về lập nghiệp ở vùng này, mỏ vàng đã khai thác được mấy trăm triệu đô la, mà giá trị ngày nay chắc đã thành ra bao nhiêu ngàn tỉ.
Trên những cục đá đã bị đập vỡ ra to bằng hộp diêm quẹt, ta có thể thấy một vài sợi chỉ vàng kéo dài ra, thỉnh thoảng lại vón lại một cục to bằng hạt gạo. Cũng có khi cục nugget to bằng bàn tay, dáng xoè ra như người ta cầm một cục bột rất nhão mà nện mạnh xuống đất cho nó toè loe ra vậy.
Vàng mảnh panning sàng trong cát, vàng chảy từ lò nung đá đều lẫn lộn các kim loại khác nên phải đưa đi phân kim thì mới lấy được vàng ròng.
Tôi nhìn thấy trong tủ kiếng an toàn trong Viện Bảo Tàng có một khối vàng 999.9 to hơn miếng đậu hũ bán ngoài chợ đề giá trị là 100 ngàn, không biết là giá trị hồi xa xưa hay giá thực hiện nay.
Tại đây cũng có ngân hàng Wells Fargo rất nhỏ, logo màu đỏ vàng có mấy con ngựa đang kéo wagon của nhà băng này vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ. Kế bên đó là một nhà tù bé tí teo, phòng Sheriff có một bàn gỗ nhỏ ngăn cách với cái giường tù nhân bằng cánh cửa có song sắt rất thô sơ.
Tiệm chụp hình, bar rượu, lò rèn... bây giờ dùng để quay phim cao bồi.
Chúng tôi đi một vòng rồi sang khu Gold Field Ghost Town.
Khi cơn lốc vàng đã đem theo rất nhiều người săn vàng từ mọi nơi đổ về đây, dân số tăng lên đến hơn năm ngàn người, mà toàn là những tay anh chị tứ xứ, sử dụng súng và dao găm thanh toán nhau hàng ngày. Những dịch vụ khác kể cả gái ghiếc cũng ùa về theo để theo đóm ăn tàn, vì vậy tệ nạn xã hội xẩy ra nhan nhản khắp nơi.
Sheriff cũng không xử tử tội phạm bằng súng chi cho hao đạn, họ xài máy chém và treo cổ tử tội cho gọn nhẹ.
Cách đây hơn một trăm năm nơi này nhộn nhịp ngày đêm, bây giờ đúng là phố ma, chỉ có du khách vào những gian hàng bán đồ kỷ niệm trông rất lèo tèo.
Có một đoàn xe lửa chạy trên đường rầy nhỏ, chắc xưa kia là xe goòng chở quặng vàng, bây giờ dùng để chở du khách đi coi chung quanh mỏ.


Ta cũng có thể mua vé để tour guide dẫn xuống đường hầm sâu dưới đất, nơi đây vàng đã từng được khai thác.
Mỗi khay đá đập vụn để du khách tự đãi lấy vàng bán có $6. Người ta lấy vụn vàng này đổ vô lọ nhỏ đem về làm kỷ niệm.
Giữa thành phố ma có một nhà thờ nhỏ, hiện nay vẫn có Linh Mục tới làm lễ Chúa Nhựt lúc 11g sáng.
Một điểm rất đặc biệt, rất...wild wild west là cách nhà thờ khoảng vài chục thước có một... động đĩ!
Đúng là như bài đồng dao xưa: "Thiên đàng địa ngục hai bên. Ai khôn thời dại ai dại thời sa. Đêm nằm nhớ Chúa nhớ cha. Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn". Thật chưa thấy ở đâu có cảnh quái đản như vậy.
Tôi nghe nói những ngày cuối tuần hay dịp tổ chức lễ hội thì đông lắm, có cả cao bồi cưỡi ngựa, các cô gái níu kéo khách vào bar rượu, có cả thợ rèn, thợ hớt tóc y như ngày xưa vậy.
Xa xa, trên đồi xương rồng, có một nghĩa trang đá cục lởm chởm, chen lẫn với mộ bia lồi lõm trông rất kinh hãi.
Gần trưa, bầu trời không một vẩn mây, ánh nắng chạy rằn rằn trên sườn núi đá đen, sức nóng làm những bụi cây xơ rơ như muốn héo rũ. Những cây xương rồng lớn cỡ khoảng một ôm, cao chọc lên nền trời. Tôi ngao ngán nhìn vào sa mạc trước mắt rồi hỏi anh Minh:
-Mình lội vô rặng núi kia tìm vàng hả?
-Không, tôi rủ anh đến đây cho biết, chứ Chính phủ Liên Bang đã ra lệnh đóng cửa mỏ này từ ngày 31 tháng 12 năm 1983 rồi. Họ không còn cho ai vào để sục tìm kho tàng hay lượm vàng nữa đâu, nếu cần vàng thì anh cứ vào khu Phước Lộc Thọ ở Bolsa, trong đó thiếu gì, có cả hột xoàn nữa.
Thì ra những người đang ở thành phố Phượng Hoàng (Phoenix) muốn rủ bạn đến chơi, thấy ai cũng ngại ngần sợ nóng gió sa mạc, nên họ phải bày ra chuyện tìm vàng để dụ mình đó thôi.
Tuy nhiên, đã lên đây chơi một lần, thấy cảnh, thấy tình bạn nồng ấm ở đây tôi sẽ còn đi nữa, vì đi xe đò Hoàng chỉ có $30 còn rẻ hơn đi San Jose, dù khoảng đường này còn xa hơn đi San Jose tới 50 dặm.
Xe khỏi hành lúc 9g sáng mà đến 3g chiều đã tới rồi. Gần xịt à.
Ước mơ lần tới lại gặp cái cô mặc áo thun trễ ngực, nhưng tôi nhất định sẽ không thèm nhìn, để cái cần cổ khỏi bị quẹo qua một bên!
Nguyễn Viết Tân

PS: Khi viết xong bài này, anh Đỗ Tiến Bình Minh mới gửi cho tôi email như sau:
"Năm 1949 những người đi tìm vàng đã khám phá ra những phiến đá có đồ hình, mà người ta tìn rằng nó chứa đựng chìa khóa để tìm ra kho vàng. Cho mãi đến hôm nay, ngày 25 tháng 6 năm 2009, Nhà Bảo Tàng Núi Mê (Superstition Mountains Museum) mới trưng bày cho công chúng biết. Vậy ai là người sẽ cùng chúng tôi đi săn vàng thì liên lạc gấp. Nhớ mang theo nhiều nước uống, gạo sấy, thịt chà bông, dao găm, súng và lều trại. Cần phải lái xe 4WD như loại Hummer, để có thể chạy trong mọi địa hình."

Monday, July 27, 2009

Heo Nọc & Heo Mọi

Heo Mọi.

Heo Nọc




Lời phi lộ:
Kính thưa quí Hải Nội chư quân tử.
Không như giới y khoa của Âu Mỹ cho thịt heo là loại thịt rất độc, người Á Châu nhất là người Việt lại cho rằng thịt heo rất lành. Đàn bà đẻ thì thường cho ăn thịt heo kho tiêu, cấm ăn thịt bò kẻo có ngày bị đút nút cổ họng mà chết.
Người Do Thái ngày xưa và người theo đạo Hồi ngày nay cho con heo là con vật dơ dáy và cấm ăn thịt nó, nhưng đa số chúng ta có mấy người mà lại chê thịt heo. Hồi còn ở quê nhà món tiết canh lòng heo là một món rất quí, chả mấy khi được ăn; qua đây lại sợ cao mỡ cao máu, thấy ai ăn các món này thì rùng mình ghê sợ.
Đúng là ăn no ra ngạ.
Ngoài những khu chăn nuôi theo công nghiệp gần Thủ Đức, ở thôn quê Việt Nam nhà nào cũng thường nuôi vài con như kiểu bỏ ống. Đến cuối năm bán được món tiền khá khá lo việc lớn, dăm ba nhà còn chung một con heo để đánh đụng vào trước Tết Nguyên Đán cho vui xóm làng.
Như thế đối với người dân ở Á Châu thì con heo rất quí, thân thiết gần gũi. Tôi còn nghe người ta nói chữ Nho, hình như chữ "gia" là nhà thì trên có chữ "phụ", dưới có chữ "thỉ" nghĩa là căn nhà thì có đàn bà và một con heo. Nếu thiếu một trong hai thứ này thì không thành một gia đình được.
Nuôi heo bởi vậy là một nghề cao quí, cho dù nuôi heo thịt hay nái, thậm chí là nuôi anh heo nọc.
Những bài viết trên báo hàng ngày thì thường giữ kẽ, có đề cập đến việc tòm tem -cho dù là của loài vật đi chăng nữa- cũng hay bị thiên hạ dè bỉu lắc đầu, nhưng trên Báo Xuân, nhất là Xuân Con Heo mà không cho nói tới sự làm ăn của con heo nọc thì e rằng ý nghĩ ấy có phần hẹp hòi.
Dĩ nhiên người viết không dám bắt chước Đặng Tiên Sinh mà nói rằng bài này cấm đàn bà đọc, nhưng đối với các cụ cao niên đã từng bị bác sĩ từ chối không cấp thuốc Viagra, thì cũng không nên đọc, lỡ có mệnh hệ nào vì tăng-xông bỗng vọt lên cao rồi đột quị, thì kẻ hèn này sẽ rất lấy làm ân hận.
Riêng đối với các bực tu hành, hay những nhà đạo đức, người viết xin quí vị nên sang trang mà đọc bài viết khác để khỏi bận lòng và mất thì giờ.
Kính cáo.

HEO NỌC

Kiếp sau xin chớ làm ngườiLàm con heo nọc để đời đón đưa.
Chẳng phải tự dưng tự lành mà chúng bạn lại gọi thằng Nguyên là Nguyên Nọc.
Năm đó sau Tết Nguyên Đán thì thằng Nguyên mặt xanh xao như tàu lá chuối, nó vừa thiếu ngủ vì thức đêm để đánh bài binh xập xám, vừa đói, vừa bị cắt bay hành quân liên miên tít mù.
Thấy nó hoa tàn nhuỵ héo quá, thằng bạn thân thiết mới đưa cho chùm chìa khoá xe Honda và năm trăm bạc, biểu ra phố kiếm cái gì mà ăn, chứ cứ ních gạo sấy hoài sống sao nổi.
Ánh mắt nó sáng rỡ, tót lên xe vù ra phố ngay lập tức.
Vài tiếng sau nó trở về, gương mặt bây giờ trông còn thất sắc, thảm não hơn lúc trước nhiều.
Hỏi nó bộ chưa ăn gì sao, thì nó thú thật là đã ra nạp mạng cho mấy em gà móng đỏ ở nhà bà Năm Khăn Bông hay chị Tư Nước Nóng gì đó rồi.
Chúng bạn kêu trời kêu đất, rồi đặt cho nó cái biệt danh, mà mới chỉ gọi lên thôi là tụi con gái nghe thấy đã mặt đỏ rần rần.
Sau ngày đứt phim tôi mất liên lạc với nó, chỉ nghe chúng bạn nói phong thanh là bây giờ nó đã có vợ con và trở thành một "ông chủ" ở Xóm Mới.
Ông Chủ Heo Nọc!
Trời ơi, thì ra cái tên do chúng bạn đặt cho ngày nào, đã vận vào cái phần số của nó!
Tôi về thăm lại Sài Gòn và đi tìm nó cũng không khó gì mấy, chỉ việc kêu xe ôm chạy lên Xóm Mới, tà tà hỏi thăm mấy nhà nuôi heo là tìm ra anh Nguyên chủ heo nọc ngay chóc.
Gặp tôi nó mừng, nó không ngờ mà tôi lại quí hoá quá, cất công đi tìm bạn xưa như vậy.
Bạn bè mấy mươi năm gặp lại thì có vô số chuyện để nói nhau nghe, nhất là lại kề cà bên chén rượu.
Cái thằng cà chớn này khi hỏi là vợ tôi bây giờ có phải là một trong những cô bồ ngày xưa không(?) Tôi chưa kịp gật đầu thì nó buông một câu gọn lỏn:
-Mấy con bồ của mày, tao coi bộ con nào cũng ... úi chà chà ... chậc chậc chậc ...
Vợ nó đang lăng xăng bên bàn nhậu mà nó nói vậy tỉnh bơ, chẳng kiêng nể chút nào. Thằng Nguyên bây giờ méo mó nghề nghiệp nặng quá rồi.
Khi hỏi tới nghề chuyên môn thì như gãi đúng chỗ ngứa, nó "tả chân" kỹ đến nỗi vợ nó đã già rồi, nhan sắc đã đến thời "Mày thuôn lá ổi, vú thõng dưa gang ..." rồi mà còn phải đỏ mặt, cười lên rinh rích rồi te tái đi ra phía sau bếp.
***
Mày biết không, khi tao đi tù về thì làm ăn cái gì cũng khó, cỡ như bọn mình thì chỉ chạy xích lô hoặc buôn bán vớ vẩn ở chợ trời mà thôi.
Tao dù sao bể cũng còn cành cạch, cái bộ vó Không Quân ngày trước vẫn còn có giá để tao lấy được vợ ngon. Nhà bả tương đối cũng khá vì có ruộng rau muống sau nhà, nuôi ít con heo và bả bán thịt ngoài chợ. Tuy thời điểm này cái gì cũng vào quốc doanh, nhưng người ta lén lút bán heo, bán thịt thiếu gì, chứ cứ đợi tem phiếu để mua thì có khi cả năm chưa được tí mỡ bôi mép.
Vì ở thành phố thịt rất hiếm nên mấy bà mấy cô đi theo xe đò về các tỉnh miền Tây, buôn bán lén lút, dấu diếm, bó thịt trong bụng trong đùi máu chảy tùm lum coi thấy mà ghê.
Còn cái này tức cười lắm, mấy nhà hàng trong Chợ Lớn ngày xưa sang trọng là thế, nhưng bây giờ người ta cũng nuôi "cải thiện" mấy con heo ngay chung quanh cầu thang máy. Cái thang máy đã hư rồi chẳng ai sử dụng hay sửa chữa gì được nên dùng mấy tấm ván "cơi nới" thêm ra, muôi vài con heo cho nó ăn cơm thừa canh cặn, khi bán thì công nhân viên cũng có tí tiền còm.
Ôi thôi cả cái nhà hàng luôn luôn có mùi cứt heo cho dù họ cũng ráng giữ vệ sinh, dội rửa thường xuyên.
Những chung cư dù mới hay cũ, mà đã cấp cho cán bộ thì khi vợ con họ vào tới SG cũng trở thành nhếch nhác vì đua nhau nuôi heo, nền bếp gạch bông bóng láng thế mà rồi cũng trở thành chuồng heo.
Họ không nuôi nhiều, một vài con thôi và từ ấy thiên hạ của cái đất Hòn Ngọc Viễn Đông cũng không còn lấy làm lạ, khi thấy từ ông thủ trưởng đến anh bảo vệ đi làm về, đều ghé mua đâu đó rồi chở tòn teng trên chiếc xe đạp một bó rau muống dài thòng lòng. Ngọn rau thì người ăn, gốc thì nấu với cám cho lợn! Cả người lẫn lợn sống đề huề chia xẻ từ thức ăn cho đến chốn ở.
Họ nuôi heo như nuôi chó kiểng, hễ đi về đến nhà là lo tắm rửa cho nó y như một đứa con cưng. Nó bỏ ăn hay ỉa chảy là hai vợ chồng xanh mặt cứ y như tai hoạ sắp đổ xập xuống cơ quan mình rồi.
Tao thấy "Trời Việt reo vui trong ánh hồng mênh mông. Người người lương hay giáo bên nhau cùng một lòng ..." quá; lòng dân quí mến cái vụ nuôi heo quá, nên nhảy ra mần nghề buôn bán heo con. Heo giống mắc, nên tao bàn với ông bà già vợ không nuôi heo thịt nữa mà nuôi toàn nái, mà nái thì lại cần nọc, bởi thế nên tao bèn mua một con giống Yorkshire đực.
Sau đó có dăm tháng thì ôi thôi tiền vô như nước, đã phục vụ cho đàn nái nhà bá thở, mà tao còn phải "nhảy dù" phục vụ gần xa mệt bở hơi tai.
Dài dài từ Xóm Mới tao chạy xe Lam xuống Hạnh Thông Tây, Xóm Gà, Hốc Môn ... đâu đâu trên bốn vùng chiến thuật cũng in dấu giày .. uở quên .. dấu dép của thầy trò tao, con heo giống Yorkshire của tao có giá lắm, mà công nhận nó khoẻ thực, một ngày mấy phùa rồi, mà cứ hễ mở cửa chuồng là cu cậu phóng lên xe Lam một cái rột, rất chi là hăng hái.
Có lần tao nghe bà kia hỏi bạn:
-Hồi này chị thả nọc ai vậy?
-Nọc ông Nguyên!
Kể xong nó ngoác miệng ra cười một cách khoái trá rồi tiếp:
-Mày đừng tưởng cứ dẫn chàng Nọc tới rồi thả vô chuồng, mặc kệ nó làm ăn ra sao thì làm! Vất vả cho ông chủ lắm chứ chả phải chuyện chơi đâu.
Trước khi lên xe Lam, tao thảy cho chàng hai hột gà sống -mà thời ấy chính tao cũng tiếc tiền không dám làm la-coóc mà ăn - Cái miệng nó bình thường nhễu nhão là thế, mà nó táp hai hột gà gọn bân, đố có rớt ra ngoài giọt nào.
Xe vừa ngừng là thằng đệ tử có cái mũi Trư Bát Giới ấy thính không thể tả, nó biết ngay cái nhà nào có heo nái đang động đực, đi xâm xâm vô nhà người ta rồi lao tuốt ra đằng sau, thân thể nặng nề thế mà phóc một cái là nó đã nhảy vào chuồng.
Khi con nái mới động đực, thì cái "hoa" nó đỏ au và sưng lên, nó kêu rống và ủi phá chuồng dữ lắm, ấy vậy mà khi con nọc vào, nó lại cắn, lại chạy xà quần ... làm cho anh kia chả làm ăn gì được sất.
Người nuôi heo có kinh nghiệm, thì phải đợi vài ngày sau, khi cái hoa đã héo, biến thành màu đỏ bầm và có nước nhờn rỉ ra mới cho "nhảy" và lúc đó con cái mới chịu đứng yên, mắt lim dim, tai cụp xuống, cái đuôi ve vẩy quẹo qua một bên để phơi bầy của nả.
Mày hỏi ông chủ heo nọc "cực" là cực làm sao hả?
Là bởi vì khi con nọc còn nhỏ, mà con nái xề lớn quá, anh chủ phải kê ghế, phải bồng thằng đệ tử mình lên thì nó mới ngang tầm "tác xạ" cho trúng mục tiêu, chứ không thôi nó khóc ngoài quan ải thì cũng xôi hỏng bỏng không.
Nói đến đây, thằng Nguyên Nọc cười khà khà:
-Hồi đó tao phóng rocket như thảy bi vô lỗ, nên bây giờ còn lạ chi chuyện nớ!
Nhưng khi con nọc đã quá to, mà con nái mới động lần đầu, nếu mà con đực chồm lên thì với sức nặng đó, có thể nó đè con nái gẫy lưng hoặc gẫy hai chân sau, mình phải lòn một cái bao bố dưới bụng con nái, rồi chị chủ nái một bên, mình một bên, rinh con nái cho chổng mông lên cao, canh sao cho vừa tầm thì mới hoàn thành tốt công tác có lợi cho dân cho nước ấy.
Lạ lắm, con nái mới bị phủ nọc lần đầu, khi cái khoan kia xoáy vào, nó cũng đổ máu y như người vậy. Cái khoan sút ra rồi, con nọc thường chạy chung quanh chuồng một vòng, rồi lại hớn tớn nhảy lên lần nữa, lần này cũng lâu khoảng 15 phút.
Hèn chi người Pháp cứ cho rằng cu-son là dâm hạng nặng trong các loài vật.
Sau hai lần mây mưa, thì từ cơ quan sinh dục cái sẽ đùn ra chất gì sền sệt, giống như hột é hay chè bột báng, nó lấp lại để tinh trùng con heo đực không phì ra ngoài, người ta gọi là "xả".
Nếu nó bít kín thì lứa heo con mới nhiều.
Về sau này, dù kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tiện lợi hơn nhiều, nhưng nếu tinh đông viên không bơm vô nhiều lần, thì số lượng bầy heo con cũng ít lắm.
Tôi tò mò:
-Ê mầy, con heo nó nhảy lên rồi có lộn ngược ra sau, dính lẹo như chó hay không?
-Ủa, mày dân quê mà chưa từng thấy heo nó làm ăn ra sao hả. Súng đạn của nó lạ lắm, nó xoăn xoắn như cái khoan gỗ của thợ mộc vậy. Tuy cặp lựu đạn của nó rất lớn so với thân thể, có khi nặng tới cả kí lô, nhưng súng của nó lại nhỏ như ngón tay cái mà thôi, thò ra ngắn chẳng tầy gang. Khi đã "dô gôn chú Tám" rồi, nó làm hùng hục thấy bắt ham, đến nỗi có khi chị chủ heo nái mặt đỏ nhừ đâu dám nhìn ngay trân, mà cũng cóc dám nhìn tao luôn. Chừng 10 phút rồi nó dừng lại, ôm lưng con nái đến 5 phút sau mới rời dàn phóng.
Như lúc nãy tao có nói, xong phát đầu là nó tụt xuống chạy một vòng nhỏ quanh chuồng như ta chạy tập thể dục, rồi lại hùng hục trèo lên ngay. Mẹ họ, tao mà có khả năng như thằng đệ tử này thì khối con mẹ chết với tao.
Tôi cười:
-Thôi đừng có giả nai nữa, bả ra đằng sau rồi, thành thật khai báo với tao đi. Từ hồi mày làm nghề này đến nay đã có bao nhiêu chị chủ heo nái kéo mày vô phòng? Mà nè, sao tao nghi mày quá, có khi mày nhìn thấy cái mông tròn vo dưới làn vải mỹ a, thì khỏi kéo đi đâu cho mất công, hai con heo xà quầng trong chuồng, còn hai anh chị chủ làm ăn ngay ngoài chuồng quá!
-Bậy mầy, ai làm ăn kiểu đó được.
-Sao lại không? Tao còn nhớ hồi mới vô Trung Tâm Nhập Ngũ, con bồ mày có cái dáng đi hây hẩy như bảo rằng "Nó đây nầy! Nó đây này" vô thăm ở vườn Tao Ngộ, dưới tàng cây bã đậu thằng nào đã kéo con bé vô nhúc nhích dưới cái poncho nắng nóng hừng hực?
Nguyên Nọc cười hộc lên:
-Mẹ! mầy nhớ dai tổ mẹ. Mà sao tao cũng lấy làm lạ, mấy người chuyên nuôi heo nái thì thường là bà goá, hoặc chồng phải đi công tác hay làm ăn nơi xa, bởi vậy mới tội nghiệp cho cái thân tao!
-Xạo! Khoái chí tử mà còn bày đặt nói tội nghiệp. Mà tao biết chắc rằng bà xã mày cũng đoán biết chuyện này, bộ bả không phản đối rồi bắt mày đổi nghề hay sao.
-Đổi nghề gì được, tiền vô ào ào ai không ham, mà cũng bởi cái vụ đó tao dữ dằn quá, nên bả cũng đành an ủi "Thôi! Để ổng đi cho đỡ mòn của nhà".
Đến tuổi này rồi, tao mới nghiệm ra rằng tao là một thằng "Nọc Lộ" còn mày thuộc dạng "lù khù xách cái lu mà chạy", hoặc nói theo kiểu miền trung là "lục lịt mà địt ra khói". Mày chính là một thằng "Nọc Kín"!
Mà mày biết tại sao con chó nó đi tơ thì dính lẹo, mà con heo lại không dính hay không? Chiều nay tao dẫn mày ra chợ Xóm Mới, mua ít thịt chó và một cái cẩu pín để mày coi thì sẽ hiểu liền. Cái cẩu pín dài chừng một gang, trơn tuồn tuột thì làm sao nó mắc dính cứng ở trỏng được, là vì ở gần cậng của nó có hai cục cứng chìa ra hai bên, khi con chó đã "dô gôn chú Tám" rồi, máu nó sẽ dồn về hai cục đó nên cương lên cứng ngắc. Hai cục đó lại chui vào phía trong của xương chậu con chó cái như hai cái ngạnh, thế nên cho dù con chó đực có quay lộn ra phía sau cũng không sút ra được. Đôi khi con chó cái nhỏ quá, còn bị treo lên cao, hai chân sau hổng khỏi mặt đất nữa. Tao nhớ hồi còn nhỏ có lần cùng với một thằng bạn, xỏ một cái gậy vô giữa mà khiêng lên nó cũng không sút.
-Me, mày chơi ác quá.
-Thì hồi nhỏ con nít có mấy đứa không rắn mắc? Nè, tao nhớ hồi tụi mình còn học tiểu học, mày thường hay đái dầm và ngủ thì nghiến răng trèo trẹo, có ai đó chỉ cho má mày mua dái chó về cho mày ăn để trị bịnh, bây giờ mày còn đái dầm không?
-Sư mầy.
-Tao không biết dái chó mầy đã từng ăn có ếp-phê gì không, chứ ngọc dương, ngầu pín không thể nào quí bằng cặp lựu đạn của heo nọc. Con nọc khi về hưu rồi, bán cho người ta làm thịt ai cũng tưởng là bán theo kiểu vứt đi. Lầm to!
Nguyên cái cục nợ đời của nó đã là một đống tiền, đâu có phải ai muốn ăn là mua được đâu. Tao nhớ hồi lâu rồi người ta lấy hai cái trư hoàn đó, xé vỏ bọc ngoài rồi bóp nát nó ra, đánh chung với trứng gà, tiêu hành tỏi bột ngọt các cái, chiên lên thì nó thơm lừng bay đi hàng mấy trăm thước, món này gọi là món "Ông ăn bà la làng" đó mậy. Sau này tụi xì thẩu Chợ Lớn nó gôm hết, nó pha chế tẩm ướp theo bài bản rồi nào là ngâm rượu, phá lấu, tiềm thuốc Bắc.. v v... đem bán cho mấy ông quan tham, mấy ông đại gia mới giàu phất lên nhờ thời cuộc, tiền tiêu thả giàn nhưng muốn ăn chơi coi bộ khó, vì súng đạn của mấy ổng đã mềm như cộng bún thiu.
Còn thịt của con heo nọc cũng lạ, tuy nó hơi hoi nhưng toàn là da và nạc, ăn cứ dòn sần sật như thịt heo rừng. Khi nào gặp con quá già, thì họ lại bán cho cơ sở làm lạp xưởng.
Thịt nái xề hay thịt heo chết kia mà tụi nó ướp ngũ vị hương rồi dồn vô thành lạp xưởng thơm tho thì có thánh mới biết, nói chi đến thịt heo nọc, vừa tươi lại toàn là nạc, quí lắm chớ.
Mày nhớ nghe, về đây chớ có bao giờ ăn món lạp xưởng hay thịt heo quay. Chẳng biết ở Mỹ thì sao, chứ ở đây thịt bán ế ba bốn ngày đã thúi hoắc, heo bịnh, heo ghẻ, heo chết gì mà họ ướp gia vị cho thơm, quay lên rồi quết mật ong, tô màu ... ăn vào có ngày trúng độc thì tiêu tán thoòng. Hôm trước báo chí còn đăng có người lấy màu vẹc-ni làm bàn ghế mà bôi lên thịt quay cho có màu vàng nữa đó. Thiệt kinh khủng y như bánh phở ướp phoọc môn!
-Ớn quá vậy? Này, mày vừa nói là heo nọc nghỉ hưu, vậy thì sau khi hành nghề mấy năm nó mới hưu?
-Cũng tuỳ từng giống và tuỳ từng con, nhưng nếu nuôi lâu chừng ba năm thì heo nọc sẽ rất nặng cân, nó chồm lên con nái sẽ không chịu nổi, mà mình là sư phụ nó cũng vất vả theo. Sau này tao luôn luôn có một tổ tam tam chế: một con thuộc hạng thiếu niên, một con dạng trung niên và một ông hì hợm như tù trưởng, khi có ai gọi đi thì tao phải hỏi cho chắc là nái của họ nặng bao nhiêu để dẫn quân đi cho xứng tầm cỡ với đối tác. Chừng nào mình tẩy anh tù trưởng đi vô lò sát sinh, thì sẽ có thế hệ trẻ hơn đôn lên.
Bữa nhậu chiều hôm đó, câu chuyện nghề nghiệp của tôi ở bên Mỹ muốn khoe lắm mà vẫn không có cơ hội, vì thằng bạn quá nồng nhiệt về việc nuôi heo nọc của nó, nó nói lia lịa như bắn minigun.
Nguyên Nọc gắp một miếng dồi chó, lấy vài lá mơ cuốn chung dồi với ít lá thơm và một lát riềng, chấm đẫm vô chén mắm tôm chanh rồi nhồm nhoàm vừa nhai vừa nói:
Chẳng phải bò cũng chẳng phải trâuĐầu đuôi không sủa sủa đầu đầuKhi nằm với vợ thì lại đứngCả đời không ăn một miếng trầu ..
Mẹ, ai tả con chó hay quá, không hề có chữ chó nào trong câu thơ, mà đọc lên ai cũng biết là chó, chỉ có câu cuối hơi bị gượng ép. Mà này, con chó đực đúng là loài chó, chưa chi nó đã muốn chạy làng, mày coi nếu mà ông trời không bắt tội cho nó mắc lẹo, thì con chó đực khi xong việc là đã vọt mất tiêu ngay. Lúc nó lộn ra đằng sau, gương mặt nó rất chó, lưỡi thè ra, hai mắt trông gian ngoan đíu tả được; trong khi con heo nọc thì lại không thế, khi chị Nái mắt lim dim, thì anh Nọc cũng cùng bộ dạng, tui nó chia xẻ sự thung thướng với nhau rồi còn nằm im trên bệ phóng cả năm bảy phút mới tụt xuống.
Mày biết không, thằng con trai tao mới cưới vợ, tao cho nó ra riêng trên một miếng đất khá lớn trên Dĩ An. Hồi trước 75 thì đây là một quận của tỉnh Biên Hoà, nhưng bây giờ nó lại là Bình Chuẩn của tỉnh Bình Dương.
Mày ở đây chơi với tao, sáng mai tao chở lên đó. Chuyến này về đây mà không lên thăm trang trại nuôi heo rừng, heo mọi của thằng nhỏ, thì đối với một thằng tò mò như mày thật là một điều đáng tiếc. Thậm đáng tiếc!
Tuy chỉ là một anh chủ heo nọc, nhưng thằng Nguyên bây giờ mập ra, có tướng rất "Đại Gia" với mái tóc còn khá dầy, hơi bạc hai bên thái dương nên trông càng phong độ. Nó ngồi chễm chệ trên chiếc Honda bự bành ky, to lớn như tôi mà ngồi sau nó cũng cóc thấy gì đằng trước.
Hai thằng rời Xóm Mới chạy ra Xa Lộ Đại Hàn, nó phóng vun vút quẹo hai ba lần, xuyên qua mấy vườn cao su rồi chạy dọc khu rừng Cò Mi ngày xưa, bây giờ đã biến thành Khu Công Nghiệp Singapore coi tân tiến và rất xinh đẹp.
Tôi còn nhớ khu rừng Cò Mi này. Đây là nơi Liên Đoàn Biệt Cách 81 tập họp lần cuối cùng trước khi tan hàng.
Chúng tôi ghé vào một tiệm phở Bắc, nhưng thú thật so với phở ở Little Sài Gòn thì tô phở ở đây quá tệ, ăn không ra cái tướng báo gì. Đã thế chỗ ngồi, bàn ghế chén đũa gì coi cũng ghê gớm vì có quá nhiều xe chở đất cát chạy bụi mù, cuốn theo từng đợt gió mà lùa vô quán phủ đầy lên vạn vật.
Tuy chung quanh đây đã có rất nhiều cơ xưởng mọc lên, đất thổ cư bây giờ mắc như vàng, nhưng thằng Nguyên mua thửa đất này lâu rồi. Ngày xưa đất đầy gò nổng, chỗ thấp chỗ cao, vài cây điều cây xoài mọc lẫn với mấy bụi cò ke, sát hàng rào có vài bụi tầm vông còi cọc.
Xe chạy vào sân một ngôi nhà khá đẹp, bầy chó xồ ra sủa thì hai vợ chồng đứa cháu chạy ra. Cũng giới thiệu qua loa rồi Nguyên kéo tôi ra phía sau nhà.
Khu đất rộng chừng một ngàn thước vuông, có xây tường bao bọc cao hơn đầu người, phía trên lại có rào thêm kẽm gai.
Một bầy heo con có sọc trên lưng đuổi nhau chạy tán loạn.. Những con lớn hơn thì bị ngăn ra từng khu.
Con trai thằng Nguyên nuôi heo nối nghiệp bố nhưng theo cách khác, nó đi theo để giải thích cho tôi rõ:
-Chú à, những con heo lông vàng quạch có sọc đen kia là heo mọi, nó lớn tối đa cũng chừng ba bốn ký, bởi vậy cứ khoảng 3kg là cháu bán hết, có nuôi nữa chỉ thêm tốn hao mà không tăng trọng được bao nhiêu. Nó đẻ mắn như thỏ nên "rất có kinh tế". Loại này ngoài thức ăn công nghiệp, nó còn ăn củ mì củ khoai hay rau lá rễ cây, nên người ta nói trong thịt nó có vị thuốc. Trước khi bán ra, đực cái gì cháu cũng thiến hết, chứ nếu để nguyên người ta ai cũng có thì giá heo mọi bị tuột dốc ngay. Hiện nay các nhà hàng, các quán đặc sản nhiều quá, mình không đủ cung ứng đâu, nhưng nếu cung cầu bão hoà thì mình không lời nhiều được.
Như chú cũng biết, thú rừng bây giờ bị cấm săn bắt, mà chở đi cũng khó, bị công an hoặc bảo vệ Lâm Trường ách lại là chí nguy. Ngay như cháu đây, có giấy chứng nhận nuôi thú rừng rồi đó, mà cũng bị làm khó hoài.
Vừa nói nó vừa lấy hai ngón tay xoa xoa vào nhau, ý nói phải chi tiền đều đều để được yên thân làm ăn.
Có mấy xe tới lấy hàng, nên nó xin lỗi rồi chạy vội vô nhà tiếp khách.
Hai chúng tôi đi dài dài ra coi lũ heo rừng.
Heo trông không giống heo nhà, mà cũng chẳng giống loại heo rừng mà chúng tôi thường săn ngày xưa ở vùng Tuý Loan gần Đà Nẵng.


Thằng Nguyên nói:
-Cậu cả nhà tao khá lắm. Khởi đầu nó mua một con heo rừng đực của người ta đi săn về, con heo trông dữ dằn với hai cái nanh dài xọc chìa ra, mà chỉ còn có 3 chân, chân kia đã bị cụt khi vướng bẫy.
Về nhà nhờ ông Bác sĩ thú y chữa cho lành hẳn và còn cưa hai cái nanh cho bớt nhọn, rồi nó cho nhảy với giống heo nhà và người ta gọi lứa này là F1.
Nó lại đi tuốt lên Phước Long mua được một con heo con bị sụp hầm về lai giòng F1 ra lứa F2. Bây giờ đã được một loại heo nạc và kháng bịnh như heo rừng, nhưng lại mau lớn như heo nhà.
Thế là mày biết, thằng con bây giờ giàu lên cấp kỳ, vì thịt rừng bán mắc gấp bốn gấp năm lần thứ thịt khác. Còn may hơn nữa là gần đây có cái dịch lở mồm long móng, trâu bò heo bị tai hại rất lớn, nhưng với đàn heo mọi, heo rừng này, nó kháng bịnh rất cao nên chưa thấy con nào bị cả.
-Ê Nguyên, mày có nhớ hồi mình bay vô mỏ than Nông Sơn, thấy người dân họ nuôi một loại heo cỏ nhỏ híu mà cái bụng nó ỏng xuống gần chạm mặt đất không? Tao không hiểu nó được đưa qua Mỹ hồi nào, mà họ nuôi nó như một con pet, cưng như cưng chó mèo, có người còn cho nó ngủ chung nữa mới gớm. Cách đây không lâu, báo có đăng rằng con Vietnamese pig này rất thông minh, bà chủ nó bị stroke mà nó chạy ra đường chặn người ta lại, dẫn vô nhà mà kêu xe cứu thương. Bà chủ thoát chết lại càng thương nó hơn nữa.
Nhưng qua tới xứ Mỹ, con heo nhỏ bé ngày xưa ăn đồ bổ béo quá, nó nặng đến 250lbs nên thường thì chỉ ít tháng hay nửa năm là chủ vội đăng báo cho free. Mấy người bạn tao thường đến "xin về nuôi"!
-Trời ơi, chắc mấy chả nuôi trong nồi.
-Thì thế! Hồi mới qua Mỹ tao cũng thường đi lên farm mua bò heo dê với tụi bạn, thấy có nhiều con heo nặng tới 1500lbs nghĩa là 750kg thấy phát sợ, nó lớn như con bò mộng vậy, hèn chi thịt ham hay ba rọi bên đó bán rẻ rề.
-Thôi cũng gần trưa rồi, mầy đi với tao qua nhà kế bên kêu họ làm con heo mọi để ăn cho biết vị. Thằng con tao vì bận quá mà cũng không muốn sát sinh nên đem dịch vụ này phú cho nhà hàng xóm. Người khách nào muốn con nào, họ bắt làm cho con đó. Mỗi con cả công làm, rau thơm rau sống, nước chấm với bánh mì mà chỉ có 200 nghìn. Bởi vậy cứ mỗi chiều, quan lớn quan bé cùng các đại gia ghé vô đầy quán, một con heo mọi thì bốn năm người ăn mới hết. Đối với họ vài trăm ngàn thì cho là rẻ như bèo, nhưng đám công nhân ghé đây làm một phùa như thế là mất đứt một tuần lương. Thảm thật!
Chúng tôi qua và mua một con của họ nhốt trong lồng. Anh chủ quán tắm rửa con heo mọi cho sạch sẽ, đập cây búa nhỏ lên trán con heo làm cho nó giãy tê tê không kêu lên được một tiếng, rồi lấy ống trúc chọc huyết vô một cái ca có trộn muối bọt.
Nhấp nháy chưa tới nửa tiếng, con heo đã làm ra hai hộp lòng và tiết canh, nguyên con heo quay lên vàng ươm xếp vào một cái khay mốp.
Lúc rinh về nhà, vừa đến khoảnh vườn ngang hông, thấy một anh heo nhỏ có chút xíu, đang nhảy chồm lên dê chị nái xề, thằng Nguyên chép miệng:
-Tụi mình đã đến tuổi về hưu rồi, súng còn mà đạn hết.
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!

Saturday, July 25, 2009

Chuối Lùn

Chuối lùn Reply with quote




Cách đây khoảng 1 năm, anh Nam bạn tôi có cho 1 củ chuối con, anh ấy bảo cậu đừng có thái ra mà nấu mẻ, làm giả cầy, vì đây là cây chuối sứ (chuối tây) lùn, quí lắm đấy, chưa mấy người có.

Sau khi cấy được vài tháng, thấy gốc nó quá to mà cây thì lùn xủn, tôi thấy thích quá, ngày nào đi làm về cũng ra dòm xem nó đã sắp ra buồng chưa.
Mãi cho tới hôm cuối tháng 8, ngay ngày anh Hoà Đơn gả con thì thấy một bắp chuối lú ra, to như cái thùng xách nước.

Sau khi buồng chuối trổ được 13 nải (mỗi nải 18 trái) tôi sợ số 13 sẽ sui: buồng chuối nặng quá sẽ gẫy, hoặc 1 cơn gió lớn làm hư luôn buồng, nên thay vì cắt cái bắp chuối xuống thái nhỏ để ăn với bún bò, tôi ráng để nó ra thêm 1 nải nữa cho khỏi sui.
Ai dè "nhân định khó thắng thiên", nải cuối cùng chỉ có 1 trái, mà nó lại nhỏ như ngón tay út, quẹo qua một bên!!!!
Nếu nhìn kỹ trong hình, bạn sẽ thấy quả chuối nhỏ đó chứ không phải tôi nói xạo.

Thường thì chuối tây sau khi trổ chừng 4 tháng sẽ chín, nhưng hồi này trời trở lạnh, chắc nó sẽ chậm chín hơn, vậy nếu chừng 1 tháng nữa, ai ghé nhà tôi sẽ được mời ăn loại chuối đặc biệt này.
Cả buồng chỉ được 235 trái, kể cả quả cuối cùng, bằng ngón tay út, "quẹo qua một bên".

(Tân Nguyễn)








Dzui Laughing

Mực Khổng Lồ Dạt Vào Bờ Biển Nam Cali.

Mực Khổng Lồ Dạt Vào Bờ Biển Nam Cali.

Nguyễn Viết Tân:
Viết du ký về cỏ cây chim cá ở xứ sở Huê Kỳ này.



Mấy bữa nay, một luồng nước nóng từ phía Mễ Tây Cơ đã đẩy từng đàn mực Giant Squid lên phía bờ biển của nước Mỹ, trải dài từ San Diego lên đến Quận Cam.
Đây là một loại mực khổng lồ, có con dài đến 5 feet và nặng mấy chục kí lô, con trung bình cũng to như bắp vế người lớn và cân nặng vài ba chục pound.

Chúng sống ở mực nước rất sâu, vùng nước ấm nóng của miền xích đạo, nhưng vào mùa hè, không biết vì lý do gì, thỉnh thoảng lại trồi lên mặt nước hàng ngàn con, rồi bị sóng xô đẩy dạt vào bờ cát.
Những đêm cuối tuần vừa qua, đứng ở Newport hay Balboa Pier người ta có thể thấy những tàu câu mực bật đèn sáng choang cách bờ không xa lắm. Giống mực dù to hay nhỏ, khi đêm về mà thấy nơi nào có ánh đèn là chúng bu tới, người ta chỉ cần câu bằng mồi giả là dính liền.
Trước kia ở VN khi chưa dùng hệ thống đèn điện để đi thẻ mực, ngư dân dùng đèn măng xông cũng đạt được kết quả rất khá.
Mực là loài nhuyễn thể không xương, nhưng nó có một cái mai hơi cứng, trong như một miếng plastic. Bình thường nó bơi đầu đi trước, nhưng khi bị tấn công, nó lại đi ngược, đuôi đi trước, bộ râu đi sau cùng. Từ miệng nó, một luồng nước từ trong bụng phụt ra như một ống phản lực, nên có thể phóng vùn vụt với tốc độ nhanh như một mũi tên, bởi vậy trong vũng nước (lagoon) như Dana Point, chúng ta thấy nó lờ đờ trên mặt nước như thế, mà chỉ cần đến gần định chụp bắt thì nó phóng cái rẹt, chỉ để lại một vùng nước đen ngòm vì bị mực phun ra.

Nếu dùng lao như thổ dân da đỏ, hoặc quăng câu loại lưỡi kép, kéo ngang qua nó thì bắt được dễ dàng lắm.



Những con mực to lớn khi bị sóng vật vào bờ cát, nó ráng hết sức bơi ngược trở ra, nhưng ít khi thành công, mà thường là bị đàn hải âu xà xuống, mổ ngay đầu rồi rút ruột ra mà ăn, còn để lại nguyên thân mình trên bờ biển.

Sáng nay Chúa nhưt, tôi ra biển sớm để chay bộ lúc gần 5g sáng, thấy người Mỹ khiêng những con mực còn sống mà quăng ra xa, những con bị tụi hải âu làm thịt thì họ lượm, dồn vào bao rác mà vất vào thùng.
Tôi thấy mực còn tươi rói mà họ bỏ đi như vậy thì tiếc quá, nhưng ái ngại không dám xin, mà cũng mắc cở không tự mình xách một con bỏ vô xe. Người Mỹ gọi con này là jumbo squid hay red delvil nên sợ nó lắm, mang găng tay rồi nhưng họ chạm vô nó một cách rất e dè như là nó có chất độc vậy.
Ngay kế bên Newport Beach Pier có một khu bán hải sản tươi. Lúc tám chín giờ sáng thì những tàu câu nhỏ mới về đến bến, họ đưa lên bán cua cá sống còn tươi, nhiều nhứt là cá hồng.
Hôm nay mực khổng lồ cũng nhiều lắm.
Tôi mua một con 40$, họ gói lại trong tờ báo, bự quá xá, vác lên nặng như bồng một đứa bé.
Đem về nhà luộc lên rồi, mình thái ra từng lát nhưng nó dầy lắm, lại phải xẻ đôi vì nó dầy gấp hai ba lần cái cùi dừa khô.
Tôi ra vườn hái rau húng, rau răm, tía tô, kinh giới vô ăn kẹp với mực chấm nước mắm gừng, ôi thôi mực tươi nó dòn, ngọt và ngon quá trời đất.
Nhớ hồi ở Đà Nẵng có lần tôi được đi săn mực nang ở gần chân núi Hải Vân, có con nặng cả chục ký, nhưng không thế so sánh với con mực loại khổng lồ này.
Ở VN, ngoài bạch tuộc cùng họ hàng với mực, thì có mực ống, mực lá và mực nang.
Con mực nang to, dầy nhưng ngắn, ở giữa thân có một cái nang trắng đục to cỡ bàn tay. Người ta phơi khô nang mực để bán cho mấy nhà làm men rượu để viên men được xốp. Cũng có người đốt cái nang này để hun khói dưới các gầm giường để trị rận và gián. Rận đang chui trong các khe ván, ngửi thấy khói thì chui ra và chết sạch.
Nói đến con gián tôi mới sực nhớ ra rằng, con gì ở bên VN cũng đều nhỏ hơn con cùng loại ở Mỹ, từ cá mú, mực, gà, heo ngựa v v...ngoại trừ con gián. Gián VN lớn như ngón tay cái, hôi tản thần, nhưng gián ở Mỹ lại nhỏ như hột gạo và khi mình lấy ngón tay dí cho nó bẹp ruột ra cũng không có mùi hôi, chứ con gián bên VN, mình cầm nó, móc vô lưỡi câu để câu cá bông lau, sau đó nếu không dùng xà bông để rửa tay thì ngửi vô muốn ói liền.

Bây giờ vô các nhà hàng đặc sản, trong thực đơn bao giờ cũng thấy có món mực phơi một nắng. Đó là loại mực khá to, ngư phủ phơi chỉ một nắng thôi, rồi lột da trắng bóc, sau đó mới cất trong tủ đá, khi ăn chỉ cần nướng sơ qua rồi xé ra mà nhậu. Món này thái ra cỡ ngón tay, ướp gia vị, rắc vô một chút bột rồi chiên lên ăn cũng rất ngon, nhất là trong dĩa có bày biện rau sống, hành cây, ớt chẻ, rau thơm, cà chua hoặc khế... cho món ăn thêm phần màu sắc đẹp đẽ. Trông hấp dẫn lắm lắm.




Người ta đồn rằng vùng biển Thái Bình Dương gần Nhật Bản có loài mực dài đến 20m, nhưng chưa có ai chụp được hình nó, mà chỉ có những con dài chừng 5m, cộng cả râu nữa mới được khoảng 13m mà thôi.
Loài mực lớn nhất thế giới đã được biết đến cân nặng đến 275kg, đó là con cái đang mang trứng, còn con đực thì nặng 150kg.



Mùa này, dân câu kéo ở Little SG khi ra bờ biển chờ mực vô, lại có cái thú vui là đem than củi ra đốt một đống lửa tại các fire pit, nướng BBQ hoặc bắp trái. Sau đó xách thùng đi bắt cá lòng tong.
Con lòng tong Grunion nhảy lên bãi cát để đẻ khi mỗi cơn sóng tràn vào.



Mùa hè khi thủy triều lớn nhất vào ngày 15 và 30 âm lịch, thì từng đàn cá lớn bằng ngón tay ào ạt đổ bộ vào bãi cát. Chúng thường chọn khu bãi nào hơi lài lài, im vắng, ít ánh đèn mà làm ổ đẻ.
Khoảng 9g tối, đàn cá gửi mấy anh scout vô thám thính trước, nếu thấy an toàn thì cả đàn mới kéo vô. Một con cá cái cắm đuôi xuống cát đẻ trứng, thì bốn năm anh chàng nhảy nhót chung quanh, xịt tinh trùng ra trắng như sữa.
Đợt sóng khác tràn tới thì những con cá khác lại thay phiên, nhảy lại y hệt một điệu vũ trời đất ban cho.
Nếu chúng ta mới thấy cá vô lác đác, mà đã vội hò reo đuổi bắt chúng, thì nó sẽ báo động và đàn cá sẽ kéo đi bãi khác. Bởi vậy nên đợi đến 10g đêm, lúc chúng đang say sưa mới ra bắt thì được nhiều hơn.
Gần hai tuần sau, cá con sẽ nở vì bãi cát đã được phơi nắng hơn mười ngày, đợt thủy triều cao nhất sẽ rước những con cá nhỏ này vào biển cả.
Cá này được phép bắt không giới hạn bao nhiêu con, nhưng chỉ được bắt bằng tay, cấm mang lưới, chài hay rổ rá theo.
Khi thấy đàn cá nhảy lao xao trên cát, người ta lo chộp con này, mắt láo liên nhìn con khác, thế nên khi đợt sóng khác đã tràn tới, mà có khi trên tay chỉ cầm được vài con.
Kinh nghiệm của dân VN thường đi bắt lòng tong như sau:
Vì họ cấm mình mang rổ, thì mình cầm theo một đoạn gỗ nhỏ như thanh vạt giường, hay cây thước thợ may. Khi cá đang nhảy lom xom, cứ dùng thanh gỗ này mà gạt một phát mấy chục con lên phía cao hơn, sóng có vô cũng chưa lên tới và sau đó chỉ cần tà tà lượm cá bỏ vô thùng.
Đi bắt một tiếng đồng hồ có khi được cả mấy thùng.

Chim trời cá nước ở đây sao nhiều thế, mà sao nơi quê hương tôi bây giờ, con tôm con cá lại đẫm đầy nước mắt của ngư dân đang phơi mình trong nắng gió Biển Đông?

Chị sui




Chưa tới sáu mươi mà tôi hên quá, có tới những hai chị sui nhỏ tuổi hơn tôi nhiều.
Còn hên hơn nữa là cả hai anh sui đều đã đi bán muối mấy năm nay rồi, để lại hai chị phòng không chích bóng, ngó thấy muốn ứa nước mắt, thiệt tội nghiệp vô cùng.
Có những lúc phởn chí, tôi ngâm lên bài thơ Chị Sui, giọng ngâm trầm ấm rỉ rả trong canh vắng, nghe hay hơn ông Nguyễn Ngọc Ngạn trong Thúy Nga Paris rất nhiều:
-Đêm nằm bên vợ nhớ chị suôi
Thấy chị cô đơn luống ngậm ngùi
Ước mong có dịp đi ngang đó
Ghé vô thăm chị chắc là dzui
Bà vợ nhỏ của tôi ban đầu nghe tức lắm, nhưng cũng nhờ như thế mà bà ấy biết chiều chuộng, đối xử vời chồng đàng hoàng hơn xưa, chứ cà chớn cà cháo là tôi... ghé thăm chị sui liền một khi.. thì mất cả chì lẫn chài.
Bây giờ bả nghe ngâm thơ riết đã lờn rồi, nên tuyên bố thẳng thừng:
-Đi đâu thì đi, càng đỡ mòn của nhà.
Xin quí cụ cao niên đừng hiểu lầm là tôi có vợ nhỏ rồi hừng chí bắt chước. Bởi vì bà xã tôi hơi nhỏ con (nhưng rất mắn đẻ) nên hồi tôi mới quen bả thì gọi là người em gái nhỏ, bây giờ bả đã đến tuổi "mày thuôn lá ổi, vú thõng dưa gang" rồi thì tôi kêu là vợ nhỏ, chứ chính thực bả là vợ lớn.
Hai chị sui tôi hồi còn con gái chắc là đẹp lắm, bởi vì theo lời hai chị mô tả thì đồ đạc còn nguyên si, không có bơm hút, cắt chích gì hết mà trông vẫn còn phông, nói theo kiểu bình dân là "cứng cạy" lắm.
Chắc nhiều người không biết cứng cạy là cái gì.
Đó là trái dừa vỏ hết còn là màu xanh, nó đã biến qua màu xám vàng, cơm ở trong không còn mềm èo, mà cùi dừa cũng chưa khô khốc như dừa khô, làm mứt thì ăn vừa miệng vô cùng.
Nói tóm lại thì dừa cứng cạy vừa dòn, vừa mềm mà còn nước nôi lắm lắm.
Bây giờ nói về chuyện chị sui thứ nhứt:
Con trai tôi quen con gái chị được chừng một năm thì cưới nhau. Ngày thằng Cậu Cả dẫn tôi đến nhà vợ tương lai của nó, tôi đi cắt tóc, nhuộm đen mái tóc muối nhiều hơn tiêu, mặc bộ đồ lớn, đeo kiếng trắng gọng vàng coi cũng oách như ông này ông nọ chớ chẳng phải chơi.
Thấy ánh mắt là tôi biết chị cũng "chịu đèn" tôi rồi, nhưng cả hai còn thẹn thò đâu dám nói ra.
Hôm đám cưới, chị mặc một chiếc váy đen. Chị nhảy đầm tốc cả váy lên coi rất điệu nghệ, tiếc rằng tôi là người chân quê, hồi nhỏ chỉ biết nhảy cò cò, sau lớn lên đi lính thì biết thêm nhảy xổm với nhảy dù, chớ có biết nhảy đầm nhảy đìa chi đâu, bởi vậy cứ ngồi trơ mắt ếch ra xem chị nhảy mà nuốt nước miếng ừng ực.
Ngày tôi có đứa cháu nội đầu tiên thì chị dọn về ở chung với con, để săn sóc cháu ngoại cho tụi nó đi làm.
Mỗi lần phải đi lên City làm giấy tờ gì đó, là tôi lại kiếm cớ tạt ngang thăm cháu nội.
Nhấn chuông xong thì thấy chị vội vàng chạy ra mở cửa, tay bế đứa bé mũm mĩm đang chu mỏ ra phun mưa, chân tay chòi chòi đạp đạp.
Chị đưa đứa nhỏ cho tôi bồng, miệng nói:
-Dễ thương lắm đó.
Tôi nhìn vào tay đứa nhỏ đang níu cổ áo bà ngoại nó mà kéo doãng ra, thấy rõ hai trái ổi xá lị không có gì che đậy nên tôi nói nhỏ:
-Ừ, dễ thương quá à!
Chị ngước lên nhìn tôi, màu hồng đỏ bừng lên tới tận tai, miệng cười mủm mỉm coi dễ thương hết sức.
Chị sui nhỏ nhẻ hỏi:
- Bữa nay anh có rảnh không, mời anh vô nhà chờ chút tui nấu chè anh ăn.
Tôi là tay hảo ngọt có tiếng, nghe chị mời chè thì khoái chí tử, bồng thằng nhỏ xà vào cái ghế bành. Thấy chị sui lấy ra một rổ hột me, tôi quăng thằng cháu nội vô cái lồng con nít rồi ngồi bệt với chị ...
Chị sui nói với anh sui
Bây giờ còn sớm ở chơi khoan về
Ngồi đây phụ lột hột... me
Để tui chuẩn bị nấu chè mình xơi.
Một mình buồn lắm anh ơi
Bao năm đã bỏ cuộc vui trăng tròn
Hồi xưa ông xã tui còn
Ảnh phụ tui nấu thường hơn anh à
Đêm đêm dưới ánh trăng ngà...
Ăn chè, tán dóc thật là vui tươi
Thoáng qua đã chục năm trời...
Ảnh đi, tui bỏ cả xôi lẫn chè
Hôm nay làm lại đó nhe
Anh mà ăn thử sẽ mê tới già...
Tối đó về nhà, vợ tôi thấy tôi bần thần đầu óc mơ màng cứ tưởng tôi bịnh nên giã chén muối ớt, cắt mấy trái khế để tôi ăn chua vào cho giải cảm. Nào ngờ nhìn chén muối ớt mà tôi lại nhớ đến hai trái ổi xá lị, nước miếng cứ dâng lên miệng, cục Adam thì cứ chạy lên chạy xuống. Tôi nuốt nước miếng ừng ực, hít một hơi để dồn chân khí chạy xuống... phía dưới, vừa ăn khế vừa tưởng tượng....
Ăn xong, tôi vội chạy ngay lên giường trùm mền, mơ màng rồi ngủ quên hồi nào không biết. Có ai ngờ là tôi bị bịnh mộng du, thế mới có chuyện xảy ra....Có trời biết, đất biết, Chúa biết, chị sui biết...mà tôi hổng biết.
Hèn chi sáng hôm sau tôi ghé qua thăm thằng cháu nội lần nữa thì chị sui ra mở cửa, mặt ửng hồng, thẹn thùng hỏi:
Tối qua ..anh đến nhà tui?
Sao không gọi cửa ..mà...chui hàng rào?
Tôi mạnh miệng chối phăng:
Đêm khuya nghe tiếng thì thào
Tui chun dzô đó khác nào tui điên?
Than ôi, nhưng đó chỉ là giấc mơ, cơn mộng du thôi, chớ có bóng đèn làm chứng cho tôi, mối tình anh sui chị sui vẫn còn ngây thơ trong trắng không vướng chút bụi trần.
Ai không tin thây kệ.
Bây giờ kể đến chị Sui thứ hai:
Thằng con trai kế của tôi ra trường đi làm việc đã lâu. Thành phố nó ở lại không có mấy người Việt, mà từ hồi các con còn nhỏ, chúng tôi thường khuyên nhủ là nên lấy người Việt Nam, kẹt lắm thì lấy Tàu, Thái, Phi cũng còn đỡ, chứ lấy Mỹ hay Mễ thì ba má không phản đối nhưng cũng không thích đâu.
Mấy đứa nhỏ nghe lời, nên bạn bè cặp xách thì cũng có lai rai, nhưng khi lấy vợ thì tuân theo ý cha mẹ, là cô dâu phải biết húp nước mắm.
Nhân dịp về Việt Nam thăm bà nội, nó được giới thiệu với một cô gái đẹp lắm, lại con nhà giàu.
Nghe người ta đồn là con gái bây giờ ma mãnh lắm, nó lợi dụng qua đây được rồi là đá liền mà theo thằng khác, nên tôi phải thân chinh về tận bên đó coi lại cho chắc, chứ thằng con tuy gần 30 tuổi rồi mà còn ngây ngô như đá.
Gia đình chị Sui ra rước tận phi trường. Đứa con dâu tương lai ôm bó hoa lớn tặng cho tôi ngay khi gặp mặt tại cổng.
Dĩ nhiên tôi để ý theo dõi nét mặt, tướng đi, lời nói của con nhỏ thì thấy được quá. Con nhà giàu mà không chưng diện, mặc chiếc áo đầm trắng đơn giản, giống như thiên thần.
Còn chị Sui tương lai của tôi thì khỏi nói, mới chừng bốn mươi thôi và nhan sắc thì ôi thôi.. chậc chậc.. giới địa ốc bên Việt Nam gọi là "ga điện nước đầy đủ cả".
Anh Sui đã cất bước lên đường theo ông bà ông vải khoảng chừng năm năm nay, để lại cho chị một gia sản kếch sù, gồm nhiều căn nhà ở thành phố và các tỉnh miền tây, với một đoàn xe tải ba bốn chục chiếc, chuyên chở hàng từ những cửa khẩu về SG hay các tỉnh. Tôi choáng ngợp trước sự giàu có của họ, cho dù ở bên Mỹ tôi cũng chẳng nghèo hèn gì.
Nhà đàng gái có nhiều xe, nhiều tài xế, nhiều người làm, nên nếu sau này con nhỏ đó có về làm vợ thằng con tôi, chắc nó cũng không biết nấu ăn, giặt quần áo gì đâu, chỉ tội cho thằng con lo hầu vợ mà thôi. Nhưng ngẫm đi nghĩ lại, bà xã tôi ngày xưa có là tiểu thư khuê các con nhà giàu gì đâu, mà bây giờ tôi cũng vẫn phải nai lưng ra hầu việc bả vậy.
Thôi cũng đành phó thác cho mệnh trời.
Tôi cũng lấy làm ngạc nhiên khi chị Sui là một thiếu phụ nhan sắc nhường ấy, có bạc triệu trong tay mà sao không có ai nhảy vô ngồi mát ăn bát vàng. Mãi về sau này thằng em rể của chồng bả nói rằng anh nó chết vì bịnh gan, nhưng thân nhân đút lót thế nào đó, mà giấy chứng tử ghi là chết vì bịnh Sida, nhứt là hai đứa con, thấy ông nào có ý đồ gì là nó nói liền rằng ba nó đã chết vì Sida.
Thế là mấy chàng kia co vòi nên má nó vẫn khóa buồng xuân cho đến tận bây giờ. Hèn chi, mà cũng tội nghiệp cho chị Sui tôi quá! Tôi cũng nguyện với lòng là sẽ chẳng bao giờ nghi ngờ chị mắc căn bịnh quái ác ấy, mà phai lạt "lòng quí mến" của mình.
Trong những ngày đi cùng với chị qua nhiều tỉnh thành, tôi phục óc kinh doanh sáng suốt của chị và càng nể cách xử sự khi đài thọ hết mọi chuyện, vì rằng khi tôi thanh toán tiền khách sạn hoặc tiền nhà hàng, người ta đều nhũn nhặn trả lời là hóa đơn đã được thanh toán trước rồi.
Tôi tỏ ý than phiền về vấn đề này thì chị giải thích:
-Em thành thật xin lỗi. Anh về đây là khách của gia đình em. Sau này em qua đó chơi, chắc anh cũng không bao giờ cho phép em làm như vậy phải không.
Tôi ngẫm nghĩ trong lòng: Nếu "Em" qua bên Mỹ mà anh phải tiêu xài kiểu này chắc chỉ một tuần là sặc gạch quá!
Giấy tờ làm hôn thú, bảo lãnh cũng còn khá lâu, nên chị Sui muốn nhờ tôi làm một thư mời bả qua Mỹ, thực tế là đi chơi, nhưng giấy tờ là mời một "Đối tác" từ bên VN qua để nghiên cứu hợp tác làm ăn.
Chắc bả muốn coi gia đình tôi có môn đăng hộ đối không, thằng con tôi là kỹ sư thiệt hay dỏm, nó đang làm ông Sếp hay đang cong đít lau sàn nhà.
Thư mời, tôi có bấm con dấu nổi của công ty, bả dòm thấy nổi cộm lên một cục chắc lé con mắt, vì mộc bên VN đóng đỏ toè loe, nhưng làm sao oai bằng con dấu của tôi được.
Mấy tháng nay, kinh tế Mỹ lao xuống vùn vụt, thằng Cậu Cả nhà tôi bị lay off, nó đành dọn về nhà cha mẹ ở chứ không còn đủ khả năng ở nhà lớn nữa, mà nhà tôi thì các con dần dần như bầy chim mọc đủ lông cánh, bay đi khắp bốn phương trời. Chị Sui cũng theo mấy đứa cháu về ở chung với gia đình tôi.
Lần này chị Sui thứ Hai qua đây chơi, tôi cũng không đành để chỉ ngụ tại Khách sạn, nó lạnh lẽo và bất tiện lắm, tôi sẽ đem về ở chung nhà.
Thế là hạnh phúc quá xá, ở thế gian này có mấy kẻ được như tôi, cả mấy người đi ra đi vô sẽ mắt lúng liếng nhìn nhau, đề huề "chung một mái nhà".
Đúng như báo chí Mỹ cũng đã nói "Kinh tế xuống, thì tình ái lên".
Tôi bây giờ mới biết thế nào là cảnh 1 ông 3 bà. Trời ơi là sướng như tiên mặc dù hơi...điên cái đầu. Sướng là bởi ba bà trong nhà lúc nào cũng chìu chuộng, trổ tài chinh phục trái tim mong manh của tôi.
Bà xã tôi hồi giờ ăn hiếp bắt tôi nội trợ lo cơm nước, thì nay lại chịu khó lăng xăng lí xí nấu nướng bưng cơm dâng tận tay tôi, lại còn bưng nước, xỉa răng cho tôi nữa. Tôi mới ưỡn lưng than mỏi là bả xà vào đấm bóp, massage cho tôi ra cái điều tôi là sở hữu của bả.
Còn chị sui thứ nhất thì tự nhiên đòi dạy tôi nhảy đầm. Chỉ bảo là hôm đám cưới thấy tôi ngồi thộn mặt ra ngó thiên hạ nhảy đầm giống y mặt con cóc tía mà tiếc cho tôi và...chỉ hết sức, nên nhân dịp này mà luyện võ nghệ cho tôi. Chỉ bảo điệu sì lô cóc khô gì gì đó là dễ nhất và hợp với cái tướng to con của tôi. Ừ, nhảy thì nhảy, tôi sợ gì mà không tập. Sẵn bà vợ nhỏ của tôi mắc đi đánh tứ sắc ở nhà bạn, sắp nhỏ đi coi xi nê nên hai đứa tôi diện đồ thật chảnh và mở nhạc lên ngay. Tôi được chị sui dìu đi tới đi lui theo tiếng nhạc dìu dặt mê ly. Người tôi cứng ngắc, ngay đơ, tê tái...
Ô, mê lý, mê ly đời ta! Hai trái ổi của chị sui lâu lâu chạm nhẹ vào tôi làm tôi nổi cả da gà da rắn...Mà đâu cần chị sui chạm, chỉ cần nhìn bộ đồ chỉ mặc có mà như không làm mặt tôi đã ngố lại càng ngố.

Còn chị Sui thứ Hai thì ôi thôi khỏi nói, đúng là ở Việt nam mới qua Mỹ có khác. Cái gì chỉ cũng thắc mắc hỏi tới hỏi lui, mà mỗi lần hỏi là cứ áp sát vào tôi mà thỏ thẻ mới chết chứ. Sau này mới biết hóa ra chị sui hai bị cận thị nặng, sợ hỏi lộn người nên phải đứng gần như thế đó. Làm mỗi lần hai trái bưởi đụng vào tôi là tôi lại phải vận khí đan điền lần nữa.
Ấy chỉ là mấy điều sung sướng của tôi, kể nhiều lộ hết bí mật. Còn nỗi khổ thì trời ơi là tràng giang đại hải.

Xui xẻo làm sao khi tôi đang nhảy đầm với chị sui ngoài sân kế bên hồ tắm, thì trên trời có một máy bay, bay vù vù chụp hình một show cảnh sát bắt cướp dưới đất và nó tình cờ chụp được hình của hai đứa tôi đang dìu nhau say đắm. Họ rửa tấm hình và gởi tặng cho chủ nhà nhưng chẳng may nó lại đến tay bà xã của tôi. Các bạn có thể tưởng tượng ra cảnh một con mèo bỗng vươn mình biến thành con cọp, lông xù lên và nhào vào cắn xé bạn ra từng mảnh. Thân tôi bị tàn tạ rách nát cũng vì tấm hình này.
Anh sui cùng với chị sui,
Đôi ta say đắm mùi ơi là mùi

Câu Ếch

Em gái tôi làm nghề gõ đầu trẻ, có đứa em chồng tên là con Phượng, nó lấy thằng Dậu, nhưng có lẽ vì thường coi vở kịch có tên là Vợ Thằng Đậu nên má tôi gọi tụi nó là vợ chồng thằng Đậu cho dễ nhớ.
Hai đứa nó nghèo lắm, trôi dạt cùng với bày vịt từ tỉnh này qua tỉnh kia, từ ruộng này qua đồng khác, cứ nơi nào lúa gặt xong là nó đem vịt tới ăn lúa rơi rớt và ăn cua ăn ốc. Có những địa danh lạ hoắc tôi chưa từng nghe tới bao giờ như Tràm Chẹt, Gò Quau, Trà Qươn mà vợ chồng con cái nó gọi là "Gò Goao, Trà Guơn".
Trên ruộng đồng ở quê tôi, không phải là chủ vịt tự do muốn lùa vịt chỗ nào cũng được, mà có nhiều khi phải trả tiền, vì ruộng người ta tuy đã gặt rồi nhưng còn thâu hoạch được lúa chét cả mấy giạ một công.
Cách đây sáu bảy năm, tụi nó xin cắm cái chòi lá phía sau vườn nhà con em tôi bên Kinh 7 mà che nắng che mưa.
Có nhiều lời ra tiếng vào là sao cô để tụi nó ở đó, mời tới thì dễ nhưng sau này đuổi ra khó lắm đó, nhất là vợ chồng cô lại ly dị rồi thì bảo bọc mấy đứa em chồng làm quái gì(?)
Con em tôi bỏ ngoài tai hết thảy, đã vậy có năm còn qua nhà má tôi ở bên Kinh 5 xin cho tụi nó qua chăn vịt, cắm lều ở vườn nhà chị Tư tôi kế bên nhà. Anh Chị Tư có cái nhà xây khá đẹp, vườn mía ổi, nhãn chuối xum xuê nhưng đã qua bên Úc ở, vì tất cả con cái đều đi định cư ở bển, mấy năm ổng bả mới về chơi một vài tháng.
Má tôi khen thằng Đậu hết lời:
- Không biết nó dạy con làm sao mà chớ hề đụng tới trái ổi cây mía, kêu tụi nó hái mà ăn hông thôi cũng rụng đầy đất mà không một đứa nào dám rớ tới, chừng mình hái cả rổ mang vô lều tụi nó mới dám ăn.
Thằng Nghi con ông bố đỡ đầu của tôi cũng có nuôi đàn vịt, nên thường đi chăn với thằng Đậu. Khi biết tánh nết của thằng kia rồi, có lần nó tuyên bố trong buổi nhậu:
-Tôi dám chắc trong nguyên cái Kinh 5 này không ai tốt bằng thằng Dậu, tuy nó nghèo nàn, quê mùa, thất học nhưng ngay thẳng và rất tốt bụng..
Mãn mùa nước năm đó, tụi nó bán vịt rồi lại kéo nhau về bên Kinh 7 để làm lúa mướn và có thể để cho mấy đứa con đi học.
Cả 3 đứa con trôi nổi theo cha mẹ rày đây mai đó nên có được đi học ngày nào đâu. Con em tôi lại là cô giáo nên bắt buộc từ giờ cả ba đứa phải đến trường xin học (Cháu cô giáo mà mù chữ coi sao được).
Khi lục giấy khai sanh thì mới tá hoả vì hai thằng em không phải là con trai mà là con gái!
Thằng lớn nhứt, chú nó đặt tên giùm nên có cái tên nghe cũng được lắm: Nguyễn Trường Giang. Tới hồi phiêu bạt thì đẻ 2 thằng kế tiếp đặt tên là Cảnh và Kiểng bởi vì thằng Đậu nói "có cảnh ắt có kiểng". Đẻ rồi nhưng không có nơi ở nhất định và tiền nong không nhiều nên tụi nó trây luôn không làm khai sanh gì hết.
Tới hồi về Kinh 7 mới đóng tiền phạt rồi khai sanh một lần luôn, ghi là Nguyễn Trường Cảnh và Nguyễn Trường Kiểng.
Không biết cái ông nào điền đơn giùm trong sổ hộ khẩu, thấy thằng lớn là Nguyễn Trường Giang rồi, thì ghi hai thằng em là Nguyễn T. Cảnh và Nguyễn T. Kiểng.
Cũng không trách được vì ta thường thấy nếu ông nào có tên Nguyễn Văn Xoài thì có thể viết tắt là Nguyễn V. Xoài.
Bây giờ giở khai sanh 2 thằng em ra, mới thấy là khi vô sổ bộ họ thấy chữ T. bèn ghi vô cho đủ chữ là Nguyễn Thị Cảnh và Nguyễn Thị Kiểng.
Đã thế đằng sau còn mở ngoặc ra mà thêm (Nữ) mới chết cha con người ta, thế này là con gái đứt đuôi con nòng nọc rồi chớ còn gì nữa.
Năm má tôi bị té, nằm liệt giường, mấy anh chị em ở xa về muốn tìm một người săn sóc giúp đỡ bà, con Phượng liền xung phong lãnh nuôi. Thấy nó tận tuỵ với mẹ mình như là con gái ruột, chúng tôi trả tiền gấp mấy lần tiền công cho nó, nên nó cũng cảm động lắm.
Rồi từ đó về sau, trong nhà có việc gì dù lớn dù nhỏ, gọi điện thoại là tụi nó đều qua giúp đỡ hết lòng. Mà má tôi cũng rộng rãi với nó lắm.
Mùa hè vừa qua, con em tôi nghỉ dậy hè, lên SG chơi, nó nói:
-Thằng Dậu biết anh về, nó cứ áy náy là không biết gởi quà gì cho anh, gởi ếch được không(?) Em nói chắc anh thích, nên đêm hôm rồi nó đi cắm câu, về làm sạch sẽ rồi sáng nay gởi em mang lên đây cho anh.
Tôi mở hộp mốp đông lạnh ra coi thì có tới gần 2kg thịt ếch nên hỏi:
-Trời ơi, ếch làm sạch sẽ như vầy mà được chừng này, thì nó câu mấy ngày mới được?
-Nó câu có một bữa thôi đó.
-Tao không tin, vì hồi còn nhỏ, tao biết đi soi, đi câu lâu lắm mới được một chục con ếch chứ không phải dễ dàng.
Loài ếch khôn tổ mẹ chứ đâu có khờ như cá. Ngoại trừ hằng năm khi có những cơn mưa đầu mùa, ếch nó ra khỏi hang tìm kiếm bạn tình, nó kêu "chuộc chuộc" trên khắp cánh đồng, sau đó có mấy bữa là tụi nó trốn đâu mất tiêu. Đến hồi nước lớn, đi soi đêm ở những ao đìa rậm rạp thì lâu lâu mới đâm được một con ếch bà thiệt bự; còn mấy người câu ếch ở những ao đầy lục bình thì dùng cần câu rê với mồi bông mướp vàng, giả làm con bươm bướm, ếch nhảy theo táp, nhưng cũng được một vài ba con đã mừng thấy tổ chứ đâu có được nhiều như vầy.
Hồi còn ở nhà, cứ mỗi năm đến khoảng tháng ba, trời gầm gừ đổ mưa là mấy con ếch nằm trốn trong hang thỉnh thoảng kêu lên một tiếng "uệch" là tao đi tìm ra hang nó, đào hoặc thọc cù nèo vô bắt được chừng hai ba con đã quí lắm rồi. Bây giờ mày nói đi câu có một đêm mà được mấy chục con thì sao tao nghi quá, vì bây giờ đang trái mùa.
-Ai biết đâu, bữa nào anh về dưới đi theo nó một bữa là biết liền chớ gì.
Tôi về dưới Kinh 5 thăm bà già, rồi qua em tôi bên Kinh 7 ở chơi vài ngày và tỏ ý muốn đi câu ếch với thằng Đậu.
Nhà nó ở tuốt luốt đằng sau vườn giáp mí ruộng. Gọi là nhà chớ thiệt ra đó là cái chòi lá cất túm húm trên cái gò đất bề ngang chừng sáu bảy thước. Tuy nhỏ nhưng phía trong cũng kê được 3 cái chõng cũ có trải chiếu đã xười mép hết trơn.
Tụi nó nấu ăn phía ngoài hiên trên mấy cái cà ràng, mùa mưa lấy lá mà che chắc là khổ lắm.
Quần áo thì ôi thôi nó máng quanh vách lá, nhét cả lên xà nhà.
Nhà nó con đông nên tôi cũng hiểu là tại sao vợ chồng nó lam lũ cùi đày mà mãi cho tới bây giờ không có nổi một cục đất chọi chim, phải đi ở nhờ ở đậu thế này.
Thấy tôi ái ngại vì hoàn cảnh của mình thì nó cười hịch hạc:
-Chị Ba cho ở ké như vầy sướng quá trời còn đòi gì nữa hả anh, người ta con còn đông hơn em mà phải ở dưới cái ghe chút híu đó thì sao.
Nói để anh cũng mừng cho tụi em, nhờ mấy năm qua các anh chị về đây chơi, có cho tiền hoài nên em lo đi làm mướn góp thêm vô, mua được mấy công ruộng dưới gần Hòn Đất miệt Hà Tiên rồi, nhưng vùng đó công ăn thời có mà việc làm thời ...chưa, nên bây giờ hai vợ chồng chia ra ở hai nơi, chỉ có tới mùa mới tụ về một chỗ mà cắt lúa mướn, chớ ruộng rẫy nhà có bao nhiêu đâu.
Tôi hỏi:
-Bộ cái đìa cá dồ này không bắc cầu nữa hay sao?
-Dạ chánh phủ cấm. Nghe nói có cơ quan nước ngoài hay quốc tế Unicef gì đó nói nếu mà còn để dân cho cá ăn cứt, thì họ không viện trợ nữa, nên xã ấp làm dữ lắm, bắt được ai đi cầu như kiểu xưa là phạt một táo lúa. Ỉa có mấy cục cứt mà phạt cả táo lúa, lúa phạt đó xay ra một nhà ăn được cả tuần!
-So sánh kiểu nghe ghê luôn! Anh nhớ cái đìa này hồi trước khoảng khoát lắm mà sao bây giờ bình bát mọc dầy bịt xung quanh vậy? In hình như chỉ có một cây bự ngay góc đìa thôi mà.
-Dạ cũng tại mấy đứa con của em.
-Sao lại tại tụi nhỏ?
-Hồi mới về đây, quà bánh có gì đâu, tụi nhỏ thèm khát đủ thứ, nên khi trái bình bát chín vàng là tụi nó ních hết. Cũng hổng ngon lành gì, chỉ thơm chút đỉnh chớ ăn lạt nhách. Thứ trái này bây giờ đâu có ai mua, nên tụi nó ăn thả giàn.
Mà mấy đứa nhỏ nuốt luôn hột anh à. Ăn rồi ra cầu cá ngồi, cá táp hết nhưng cái hột có một lớp vỏ xốp cứng lắm, cá cũng không tiêu hoá nổi nên khi cá ỉa ra thì nổi đầy trên mặt ao, gió thổi tấp vô bờ đìa rồi mọc lên xanh um. Lâu lâu em chặt tỉa bớt làm củi chụm đó chớ, cũng may nhờ nó cũng đỡ được một số tiền mua củi. Trong chị Ba bây giờ ai nấy đều nấu bếp bằng ga hết trơn rồi.
Bữa cơm chiều ăn sớm cho khỏi nuỗi chích, chỉ có món cá rô nướng chấm muối ớt, với mấy mục măng xắn trong bụi tre sau nhà, luộc lên chấm nước mắm tỏi, mà ăn ngon quá xá.
Thằng Dậu sửa soạn đồ câu: Nó xách cuốc ra góc vườn đào ít trùn, cắt khúc khoảng một lóng tay, móc vô lưỡi câu rồi ngâm vô chất nước gì sền sệt như dầu hắc mà bốc mùi thúi hoắc.
Dậu giải thích:
-Chất này người Tàu gọi là A-quì, hồi trước mình không biết nó là chất gì nên cứ phải mua ngoài tiệm, nhưng thực ra nó chỉ là gan con cá đuối. Cá đuối lớn đâu có ai mua nguyên con, người ta xả cá ra từng miếng nhỏ mà bán. Khi mình mua một vài ký, phải nhớ xin cho được một miếng gan, lúc xào nấu gì cũng phải bóp nát miếng gan này vô trong nồi, thì món cá đuối không còn tanh nữa. Nhưng gan cá đuối lớn lắm, họ bán rẻ rề, có khi phải bỏ thùng rác hay nấu cho heo ăn, em xin về bằm nhỏ rồi bỏ vô hũ, không thêm muối hay chất gì khác nên chừng vài ba tuần là thúi lắm, phải móc trùn vô lưỡi câu rồi mới ngâm vô a quì, chớ ngâm mồi trong thuốc này rồi mới móc thì cái tay thúi đến mấy ngày, dù rửa bằng bất cứ xà bông gì cũng vẫn còn thum thủm.
Chúng tôi đi dọc theo những mương đìa rậm rạp, thằng Dậu nhắm địa thế rồi mới cắm câu, đầu cần câu xoay qua hướng nào thì cần kế tiếp phải theo hướng đó, nếu không làm như vậy, đến đêm trời tối mịt đi soát câu không biết đàng nào mà tìm, cho dù có xách theo đèn. Mồi không bỏ xuống nước mà chỉ để khơi khơi trên bờ.
Trời nhá nem tối là đã bủa câu xong, nhái ngoài đồng hoà lên bản nhạc "nhắt nhen" nghe đều đều buồn tênh.
Chúng tôi pha cà phê nói chuyện gẫu để chừng 10g tối sẽ đi soát câu.
Tức cười nhứt là giọng con Phượng, hễ đề cập tới ai là nó khen dẫu:
-Trời, ông đó bây giờ giàu dữ, ở nhà tường!
Nó nói chuyện lan man tới mấy đứa cháu gái gọi nó bằng dì, chỉ ước mong đổi đời nếu lấy được chồng Đài Loan. Mấy đứa đó đứa nào coi cũng được, nhưng không sao lấy chồng được, vì cả đám không có đứa nào có giấy khai sanh hay chứng minh nhân dân gì ráo trọi, mà tiền để đi làm giấy bây giờ cũng không có.
Chúng tôi xách đèn pin đi dỡ câu, vì theo thằng Dậu nói là cá thì ăn câu chừng chạng vạng tối với lúc hừng đông, còn ếch thì chỉ ăn câu lúc buổi tối rồi thôi, nên mình cuốn câu về hết cho rồi.
Quả thực cái mồi tẩm a quì này hấp dẫn con ếch một cách kỳ lạ, cứ cách vài cần là có một con dính câu đang ngồi xổm, hai chân trước đang mày mò gỡ lưỡi câu ra, mà khốn nỗi con nào con nấy đều nuốt tuốt vô tới cổ họng thì làm sao mà gỡ cho nổi.
Chẳng phải loài ếch ngu muội mà cắm đầu ăn mồi thúi tha, thiếu gì người có chức có quyền, "chi dân phụ mẫu" tưởng mình khôn ngoan mà ăn dộng những thứ thúi gấp trăm lần, bị thiên hạ gọi là ăn bẩn!

Rau Ðắng

Nhiều người trong chúng ta nghe bài "Co`n Thương Rau Ðắng Mọc Sau Hè" thi` cũng biết có một loài rau dùng để nấu canh ăn đắng lắm, nhưng hi`nh dáng nó ra sao, loại này bán có mắc tiền hay không ... thì bù trất.

Ở ngoài chợ khu Little SaiGon thường có bán một loài rau đắng, màu xanh lợt, thân tro`n, lá nhỏ mọc quanh thân trông giống như cộng rau ngổ, mà người Nam kêu là rau mò ôm (đã mò rồi còn ôm nữa hay sao? ) nhưng đó không phải là loại rau đắng mà nhạc sĩ Bắc Sơn nói đến trong bài hát nổi tiếng kể trên.

Trong các loại dùng để nấu canh, mà ăn đắng nhứt có lẽ là nấm tràm, kế đó là khổ qua (mướp đắng) rồi mới đến rau đắng.

Loại rau đắng cộng tro`n mà xanh lợt hiện nay ở VN cũng có bán đầy ngoài chợ, nhưng người dân gọi là rau đắng biển và không được chuộng bằng rau đắng đồng. Các bạn có nhớ trong bài hát có nói tới "..Coi khói đốt đồng .." Vi` ngày xưa ruộng đồng miền Nam chỉ cấy hay xạ lúa có một mùa, lúa xạ vào tháng 4 mà mãi tới tháng 12 mới chín vàng (8 tháng, trong khi lúa bây giờ có 70 ngày nghĩa là hơn hai tháng), bởi vậy ít có năm nào mà đem lúa về chất trên sân nhà trước Tết lắm. Lúc đó trên cánh đồng vắng tanh vi` chỉ còn trơ gốc rạ vàng ươm, thỉnh thoảng mới thấy vài người đi đào chuột hay tát đià mà thôi. Người ta chỉ cần một mồi lửa là đám đốt đồng cháy lan ra cả mấy tuần, đêm đêm lửa sáng rực bo` dần từ bờ kinh đằng kia đến tận rặng tràm cuối ruộng đằng này cách nhau cả chục cây số.

Hồi thập niên 60, rùa rắn còn nhiều, người ta nằm im phục kích dưới lung sẽ bắt được những loài này chạy trốn khói lửa, nhưng nếu chúng thấy bóng người là nằm i` lại có khi bị chết thiêu cũng đành.

Lung là cái gì? Đó là một lạch nước sâu, chạy ngoằn ngoèo trên cánh đồng, không trồng lúa trên đó được nên chỉ có bông súng, củ co, cây điên điển mọc mà thôi. Thỉnh thoảng cũng có những đám cỏ lăn, lác hay cây đưng mọc rậm ri trên đó có ổ gà đồng hay tổ con chim do`ng dọc dài như chiếc vớ, nhưng hầu hết lung trống lổng, lâu lâu có mấy bè rau muống hoặc rau dừa xanh có mấy phao trắng mọc từ thân ra làm cho cây rau nổi trên mặt nước.

Mỗi năm qua mùa Tết Nguyên Đán, nước trên đồng cạn khô nên bắt đầu nứt nẻ, nhưng nền đất dưới lung vẫn còn ẩm ướt. Từ nền đất ẩm này mọc lên hai loại rau hoang, đó là cải cúc đồng (tần ô) và rau đắng. Cúc đồng ăn có mùi nồng hơn loại trồng trong vườn, khi cây cúc già rồi thi` thân phồng ra như củ đậu phọng, nhổ lên đưa gần vô tai nghe có cái gi` gõ lục cục trong đó, tách ra thi` thấy một con sâu đã sắp biến dạng thành con rầy cánh cứng.

Hiện nay trên đường về miền Tây có rất nhiều quán cháo cá, nhưng hầu hết rau bày ra trên bàn là rau đắng biển, loại này y chang rau đắng bán bên Mỹ. Rau đắng biển bây giờ được trồng cách công nghiệp hay trong nhà kiếng, mọc mạnh, nhiều và có quanh năm, nhưng rau đắng đồng thi` không như vậy, nó hiếm lắm. Tôi thấy chỉ có quán Cây Sung gần Cai Lậy là có rau này ăn với cháo cá lóc. Quán này cách đây hơn 10 năm chỉ là một cái lều quán lá, trước sân có một cây sung trái xanh đỏ đẹp và mát, vậy mà chỉ nổi danh vi` một món cháo cá rau đắng thôi, sau 10 năm chủ nhân giàu lên thấy rõ, cơ ngơi bây giờ như một nhà hàng.

Ngày tôi co`n nhỏ, rau đắng mọc trên lung dầy đặc, xanh mướt và cao cả gang tay, trưa nắng chang chang mà mi`nh nằm lên thấy mát lạnh và êm như một tấm nệm. Nếu cắt một khoảnh lung chắc cũng đầy cả chiếc xe bo`. Rau cộng mảnh như rau răm, lá thuôn tro`n và nhỏ hơn lá rau dệu, nó cũng hơi giống rau sam nhưng cộng nhỏ hơn, lá mỏng hơn và mọc lên cao chớ không lan ra sát mặt đất như cây rau sam.

Từ ngày quê tôi đổi qua trồng lúa Thần Nông 2 mùa, thi` không còn thấy rau đắng mọc lên nữa, vi` ngay sau Tết là mùa rau đắng thi` vụ lúa Đông Xuân đang có đo`ng đo`ng sắp trổ, ruộng co`n ngâm nước rau mọc sao được.

Hơn 35 năm rồi, rau đắng hầu như chìm khuất trong trí nhớ, vậy mà hồi tôi về thăm nhà, thấy rau đắng lại mọc đầy sau vườn y như trong bài hát của Nhạc sĩ Bắc Sơn. Sao lạ lùng vậy? Hồi trước đây nó chỉ mọc ngoài đồng, sau mấy mươi năm hạt giống từ đâu mà lại có trong vườn? Số là như vầy:
Bây giờ không mấy ai lấp cái ao, cái đià gần nhà bằng cách ra ruộng chở đất về nữa, vi` ruộng đã bằng phẳng không co`n đất go` và công chở đất về cũng mắc, nên người ta lấp bằng cát. Từng ghe cát đậu dưới sông hay kinh rạch, dùng máy bơm theo ống mà phun cát lấp đià. Làm theo kiểu này gọn, rẻ mà sau này có muốn xây nhà trên đó cũng tốt vi` cát dẽ ra làm nền móng tốt hơn bùn xi`nh. Tuy nhiên vườn cát này trồng cấy cây gi` trông cũng èo ọt lên muốn không nổi, người ta mướn nhân công "vác bùn" lên đắp thêm trên mặt cát một lớp dầy khoảng hai ba tấc. Khi bùn khô rồi thi` thành một lớp đất màu nên chuối, ổi, mía, mãng cầu xanh tươi trông thấy ... và dưới chân mấy cây trái này, một lớp rau đắng mọc lên. Truy nguồn cội thi` ra hột rau đắng lẫn trong bùn từ ruộng chảy về ao, hoặc trôi ra sông rồi trầm tích ở đó, mấy mươi năm nay khi được vớt lên vườn nên nảy mầm mọc lại. Rau đắng bền bỉ y hệt như người dân quê chân lấm tay bùn, qua bao chiến tranh, biến động của thời cuộc rồi vẫn vươn lên, bám lấy mảnh đất quê hương để mà tồn tại.

Nghề vác bùn mới có chừng hơn 10 năm đây thôi, đó là một nhóm ba bốn người đi xe đạp qua các miền quê, đằng sau có ràng bọc quần áo và một cái thùng thiếc như cái thùng xách nước nhưng dài hơn. Khi ăn giá theo thước khối rồi, họ sẽ ở trọ tại nhà chủ vườn, làm một cái thang từ bờ xuống ao, dùng cái thùng thiếc đó mà nhận lút xuống xi`nh rồi vác ngược nó lên mà đổ sắp lớp lần lượt cho từng khối bùn kế nhau như những ổ bánh mi`. Họ lấy diện tích vườn nhân với chiều cao mà tính ra bao nhiêu khối đất đã "các" vườn lên cao. Phương pháp này không những nhanh, sạch sẽ vườn, làm ao thêm sâu, mà đất vườn thêm tốt nữa.