Em gái tôi làm nghề gõ đầu trẻ, có đứa em chồng tên là con Phượng, nó lấy thằng Dậu, nhưng có lẽ vì thường coi vở kịch có tên là Vợ Thằng Đậu nên má tôi gọi tụi nó là vợ chồng thằng Đậu cho dễ nhớ.
Hai đứa nó nghèo lắm, trôi dạt cùng với bày vịt từ tỉnh này qua tỉnh kia, từ ruộng này qua đồng khác, cứ nơi nào lúa gặt xong là nó đem vịt tới ăn lúa rơi rớt và ăn cua ăn ốc. Có những địa danh lạ hoắc tôi chưa từng nghe tới bao giờ như Tràm Chẹt, Gò Quau, Trà Qươn mà vợ chồng con cái nó gọi là "Gò Goao, Trà Guơn".
Trên ruộng đồng ở quê tôi, không phải là chủ vịt tự do muốn lùa vịt chỗ nào cũng được, mà có nhiều khi phải trả tiền, vì ruộng người ta tuy đã gặt rồi nhưng còn thâu hoạch được lúa chét cả mấy giạ một công.
Cách đây sáu bảy năm, tụi nó xin cắm cái chòi lá phía sau vườn nhà con em tôi bên Kinh 7 mà che nắng che mưa.
Có nhiều lời ra tiếng vào là sao cô để tụi nó ở đó, mời tới thì dễ nhưng sau này đuổi ra khó lắm đó, nhất là vợ chồng cô lại ly dị rồi thì bảo bọc mấy đứa em chồng làm quái gì(?)
Con em tôi bỏ ngoài tai hết thảy, đã vậy có năm còn qua nhà má tôi ở bên Kinh 5 xin cho tụi nó qua chăn vịt, cắm lều ở vườn nhà chị Tư tôi kế bên nhà. Anh Chị Tư có cái nhà xây khá đẹp, vườn mía ổi, nhãn chuối xum xuê nhưng đã qua bên Úc ở, vì tất cả con cái đều đi định cư ở bển, mấy năm ổng bả mới về chơi một vài tháng.
Má tôi khen thằng Đậu hết lời:
- Không biết nó dạy con làm sao mà chớ hề đụng tới trái ổi cây mía, kêu tụi nó hái mà ăn hông thôi cũng rụng đầy đất mà không một đứa nào dám rớ tới, chừng mình hái cả rổ mang vô lều tụi nó mới dám ăn.
Thằng Nghi con ông bố đỡ đầu của tôi cũng có nuôi đàn vịt, nên thường đi chăn với thằng Đậu. Khi biết tánh nết của thằng kia rồi, có lần nó tuyên bố trong buổi nhậu:
-Tôi dám chắc trong nguyên cái Kinh 5 này không ai tốt bằng thằng Dậu, tuy nó nghèo nàn, quê mùa, thất học nhưng ngay thẳng và rất tốt bụng..
Mãn mùa nước năm đó, tụi nó bán vịt rồi lại kéo nhau về bên Kinh 7 để làm lúa mướn và có thể để cho mấy đứa con đi học.
Cả 3 đứa con trôi nổi theo cha mẹ rày đây mai đó nên có được đi học ngày nào đâu. Con em tôi lại là cô giáo nên bắt buộc từ giờ cả ba đứa phải đến trường xin học (Cháu cô giáo mà mù chữ coi sao được).
Khi lục giấy khai sanh thì mới tá hoả vì hai thằng em không phải là con trai mà là con gái!
Thằng lớn nhứt, chú nó đặt tên giùm nên có cái tên nghe cũng được lắm: Nguyễn Trường Giang. Tới hồi phiêu bạt thì đẻ 2 thằng kế tiếp đặt tên là Cảnh và Kiểng bởi vì thằng Đậu nói "có cảnh ắt có kiểng". Đẻ rồi nhưng không có nơi ở nhất định và tiền nong không nhiều nên tụi nó trây luôn không làm khai sanh gì hết.
Tới hồi về Kinh 7 mới đóng tiền phạt rồi khai sanh một lần luôn, ghi là Nguyễn Trường Cảnh và Nguyễn Trường Kiểng.
Không biết cái ông nào điền đơn giùm trong sổ hộ khẩu, thấy thằng lớn là Nguyễn Trường Giang rồi, thì ghi hai thằng em là Nguyễn T. Cảnh và Nguyễn T. Kiểng.
Cũng không trách được vì ta thường thấy nếu ông nào có tên Nguyễn Văn Xoài thì có thể viết tắt là Nguyễn V. Xoài.
Bây giờ giở khai sanh 2 thằng em ra, mới thấy là khi vô sổ bộ họ thấy chữ T. bèn ghi vô cho đủ chữ là Nguyễn Thị Cảnh và Nguyễn Thị Kiểng.
Đã thế đằng sau còn mở ngoặc ra mà thêm (Nữ) mới chết cha con người ta, thế này là con gái đứt đuôi con nòng nọc rồi chớ còn gì nữa.
Năm má tôi bị té, nằm liệt giường, mấy anh chị em ở xa về muốn tìm một người săn sóc giúp đỡ bà, con Phượng liền xung phong lãnh nuôi. Thấy nó tận tuỵ với mẹ mình như là con gái ruột, chúng tôi trả tiền gấp mấy lần tiền công cho nó, nên nó cũng cảm động lắm.
Rồi từ đó về sau, trong nhà có việc gì dù lớn dù nhỏ, gọi điện thoại là tụi nó đều qua giúp đỡ hết lòng. Mà má tôi cũng rộng rãi với nó lắm.
Mùa hè vừa qua, con em tôi nghỉ dậy hè, lên SG chơi, nó nói:
-Thằng Dậu biết anh về, nó cứ áy náy là không biết gởi quà gì cho anh, gởi ếch được không(?) Em nói chắc anh thích, nên đêm hôm rồi nó đi cắm câu, về làm sạch sẽ rồi sáng nay gởi em mang lên đây cho anh.
Tôi mở hộp mốp đông lạnh ra coi thì có tới gần 2kg thịt ếch nên hỏi:
-Trời ơi, ếch làm sạch sẽ như vầy mà được chừng này, thì nó câu mấy ngày mới được?
-Nó câu có một bữa thôi đó.
-Tao không tin, vì hồi còn nhỏ, tao biết đi soi, đi câu lâu lắm mới được một chục con ếch chứ không phải dễ dàng.
Loài ếch khôn tổ mẹ chứ đâu có khờ như cá. Ngoại trừ hằng năm khi có những cơn mưa đầu mùa, ếch nó ra khỏi hang tìm kiếm bạn tình, nó kêu "chuộc chuộc" trên khắp cánh đồng, sau đó có mấy bữa là tụi nó trốn đâu mất tiêu. Đến hồi nước lớn, đi soi đêm ở những ao đìa rậm rạp thì lâu lâu mới đâm được một con ếch bà thiệt bự; còn mấy người câu ếch ở những ao đầy lục bình thì dùng cần câu rê với mồi bông mướp vàng, giả làm con bươm bướm, ếch nhảy theo táp, nhưng cũng được một vài ba con đã mừng thấy tổ chứ đâu có được nhiều như vầy.
Hồi còn ở nhà, cứ mỗi năm đến khoảng tháng ba, trời gầm gừ đổ mưa là mấy con ếch nằm trốn trong hang thỉnh thoảng kêu lên một tiếng "uệch" là tao đi tìm ra hang nó, đào hoặc thọc cù nèo vô bắt được chừng hai ba con đã quí lắm rồi. Bây giờ mày nói đi câu có một đêm mà được mấy chục con thì sao tao nghi quá, vì bây giờ đang trái mùa.
-Ai biết đâu, bữa nào anh về dưới đi theo nó một bữa là biết liền chớ gì.
Tôi về dưới Kinh 5 thăm bà già, rồi qua em tôi bên Kinh 7 ở chơi vài ngày và tỏ ý muốn đi câu ếch với thằng Đậu.
Nhà nó ở tuốt luốt đằng sau vườn giáp mí ruộng. Gọi là nhà chớ thiệt ra đó là cái chòi lá cất túm húm trên cái gò đất bề ngang chừng sáu bảy thước. Tuy nhỏ nhưng phía trong cũng kê được 3 cái chõng cũ có trải chiếu đã xười mép hết trơn.
Tụi nó nấu ăn phía ngoài hiên trên mấy cái cà ràng, mùa mưa lấy lá mà che chắc là khổ lắm.
Quần áo thì ôi thôi nó máng quanh vách lá, nhét cả lên xà nhà.
Nhà nó con đông nên tôi cũng hiểu là tại sao vợ chồng nó lam lũ cùi đày mà mãi cho tới bây giờ không có nổi một cục đất chọi chim, phải đi ở nhờ ở đậu thế này.
Thấy tôi ái ngại vì hoàn cảnh của mình thì nó cười hịch hạc:
-Chị Ba cho ở ké như vầy sướng quá trời còn đòi gì nữa hả anh, người ta con còn đông hơn em mà phải ở dưới cái ghe chút híu đó thì sao.
Nói để anh cũng mừng cho tụi em, nhờ mấy năm qua các anh chị về đây chơi, có cho tiền hoài nên em lo đi làm mướn góp thêm vô, mua được mấy công ruộng dưới gần Hòn Đất miệt Hà Tiên rồi, nhưng vùng đó công ăn thời có mà việc làm thời ...chưa, nên bây giờ hai vợ chồng chia ra ở hai nơi, chỉ có tới mùa mới tụ về một chỗ mà cắt lúa mướn, chớ ruộng rẫy nhà có bao nhiêu đâu.
Tôi hỏi:
-Bộ cái đìa cá dồ này không bắc cầu nữa hay sao?
-Dạ chánh phủ cấm. Nghe nói có cơ quan nước ngoài hay quốc tế Unicef gì đó nói nếu mà còn để dân cho cá ăn cứt, thì họ không viện trợ nữa, nên xã ấp làm dữ lắm, bắt được ai đi cầu như kiểu xưa là phạt một táo lúa. Ỉa có mấy cục cứt mà phạt cả táo lúa, lúa phạt đó xay ra một nhà ăn được cả tuần!
-So sánh kiểu nghe ghê luôn! Anh nhớ cái đìa này hồi trước khoảng khoát lắm mà sao bây giờ bình bát mọc dầy bịt xung quanh vậy? In hình như chỉ có một cây bự ngay góc đìa thôi mà.
-Dạ cũng tại mấy đứa con của em.
-Sao lại tại tụi nhỏ?
-Hồi mới về đây, quà bánh có gì đâu, tụi nhỏ thèm khát đủ thứ, nên khi trái bình bát chín vàng là tụi nó ních hết. Cũng hổng ngon lành gì, chỉ thơm chút đỉnh chớ ăn lạt nhách. Thứ trái này bây giờ đâu có ai mua, nên tụi nó ăn thả giàn.
Mà mấy đứa nhỏ nuốt luôn hột anh à. Ăn rồi ra cầu cá ngồi, cá táp hết nhưng cái hột có một lớp vỏ xốp cứng lắm, cá cũng không tiêu hoá nổi nên khi cá ỉa ra thì nổi đầy trên mặt ao, gió thổi tấp vô bờ đìa rồi mọc lên xanh um. Lâu lâu em chặt tỉa bớt làm củi chụm đó chớ, cũng may nhờ nó cũng đỡ được một số tiền mua củi. Trong chị Ba bây giờ ai nấy đều nấu bếp bằng ga hết trơn rồi.
Bữa cơm chiều ăn sớm cho khỏi nuỗi chích, chỉ có món cá rô nướng chấm muối ớt, với mấy mục măng xắn trong bụi tre sau nhà, luộc lên chấm nước mắm tỏi, mà ăn ngon quá xá.
Thằng Dậu sửa soạn đồ câu: Nó xách cuốc ra góc vườn đào ít trùn, cắt khúc khoảng một lóng tay, móc vô lưỡi câu rồi ngâm vô chất nước gì sền sệt như dầu hắc mà bốc mùi thúi hoắc.
Dậu giải thích:
-Chất này người Tàu gọi là A-quì, hồi trước mình không biết nó là chất gì nên cứ phải mua ngoài tiệm, nhưng thực ra nó chỉ là gan con cá đuối. Cá đuối lớn đâu có ai mua nguyên con, người ta xả cá ra từng miếng nhỏ mà bán. Khi mình mua một vài ký, phải nhớ xin cho được một miếng gan, lúc xào nấu gì cũng phải bóp nát miếng gan này vô trong nồi, thì món cá đuối không còn tanh nữa. Nhưng gan cá đuối lớn lắm, họ bán rẻ rề, có khi phải bỏ thùng rác hay nấu cho heo ăn, em xin về bằm nhỏ rồi bỏ vô hũ, không thêm muối hay chất gì khác nên chừng vài ba tuần là thúi lắm, phải móc trùn vô lưỡi câu rồi mới ngâm vô a quì, chớ ngâm mồi trong thuốc này rồi mới móc thì cái tay thúi đến mấy ngày, dù rửa bằng bất cứ xà bông gì cũng vẫn còn thum thủm.
Chúng tôi đi dọc theo những mương đìa rậm rạp, thằng Dậu nhắm địa thế rồi mới cắm câu, đầu cần câu xoay qua hướng nào thì cần kế tiếp phải theo hướng đó, nếu không làm như vậy, đến đêm trời tối mịt đi soát câu không biết đàng nào mà tìm, cho dù có xách theo đèn. Mồi không bỏ xuống nước mà chỉ để khơi khơi trên bờ.
Trời nhá nem tối là đã bủa câu xong, nhái ngoài đồng hoà lên bản nhạc "nhắt nhen" nghe đều đều buồn tênh.
Chúng tôi pha cà phê nói chuyện gẫu để chừng 10g tối sẽ đi soát câu.
Tức cười nhứt là giọng con Phượng, hễ đề cập tới ai là nó khen dẫu:
-Trời, ông đó bây giờ giàu dữ, ở nhà tường!
Nó nói chuyện lan man tới mấy đứa cháu gái gọi nó bằng dì, chỉ ước mong đổi đời nếu lấy được chồng Đài Loan. Mấy đứa đó đứa nào coi cũng được, nhưng không sao lấy chồng được, vì cả đám không có đứa nào có giấy khai sanh hay chứng minh nhân dân gì ráo trọi, mà tiền để đi làm giấy bây giờ cũng không có.
Chúng tôi xách đèn pin đi dỡ câu, vì theo thằng Dậu nói là cá thì ăn câu chừng chạng vạng tối với lúc hừng đông, còn ếch thì chỉ ăn câu lúc buổi tối rồi thôi, nên mình cuốn câu về hết cho rồi.
Quả thực cái mồi tẩm a quì này hấp dẫn con ếch một cách kỳ lạ, cứ cách vài cần là có một con dính câu đang ngồi xổm, hai chân trước đang mày mò gỡ lưỡi câu ra, mà khốn nỗi con nào con nấy đều nuốt tuốt vô tới cổ họng thì làm sao mà gỡ cho nổi.
Chẳng phải loài ếch ngu muội mà cắm đầu ăn mồi thúi tha, thiếu gì người có chức có quyền, "chi dân phụ mẫu" tưởng mình khôn ngoan mà ăn dộng những thứ thúi gấp trăm lần, bị thiên hạ gọi là ăn bẩn!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment