Vừa đậu Tú tài I xong, Toàn liền được ba thưởng cho một chiếc xe Goebel mới tinh. Ngày ấy chưa có Honda, nên có một chiếc xe Goebel là chiến lắm rồi. Đối với một làng nhỏ như Tân Hiệp, đi lên Sài Gòn học, mà lại đậu bằng Tú tài là thơm lây cho cả họ. Toàn muốn về làng để khoe xe, và cha mẹ anh cũng muốn nhân dịp này cúng tạ ơn tổ tiên làng nước đã phù hộ.
Anh mời thầy Tuấn sau này anh mới biết đó là nhà văn Bình Nguyên Lộc, về thăm quê mình. Nhân dịp này, thầy đã cười hỉ hả sung sướng vì đã kiếm ra được một con ma.
Hai thầy trò cỡi chiến mã bon bon trên quốc lộ 4, bên đường lúa xanh trải rộng đến tận chân trời. Qua khỏi cầu Bến Lức, Tân Hương là về đến Tân Hiệp. Tuy gọi là thị trấn, nhưng không có căn nhà lầu đúc nào, hầu hết nhà lợp ngói, vách gỗ bổ kho và nền đất.
Không hiểu tại sao chung quanh đây toàn là đất sét pha thịt, mà đất Tân Hiệp lại đỏ như đất ở Miền Đông. Ở đây dân chúng trồng được những loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, nhãn, mít v.v.. y như ở miệt Thủ Đức, Lái Thiêu. Từ đây mà về đến Trung Lương Mỹ tho, hai bên đường bạt ngàn mận đỏ.
Khi hai thầy trò về tới nhà, cả làng chạy tới, vui mừng vì có người thi đậu thì ít, mà vì được tận tay sờ mó cái xe thì nhiều. Trẻ con thì khỏi phải nói, người lớn kia mà cũng trầm trồ không ngớt. Mấy cô gái làng đứng ngó cái xe và chàng thanh niên học thức, đẹp trai trong bộ đồ Tây, rồi nuốt nước bọt ừng ực.
Tối hôm đó, sau bữa tiệc, mọi người còn đang ngồi uống nước trà, thì bên nhà hàng xóm có tiếng la:
- Ma lại ném đá nữa đó.
Tiếp theo là tiếng một viên đá rớt xuống mái ngói, rồi lăn lốc cốc xuống đất. Mọi người già trẻ lớn bé chạy ùa sang, nhưng ai cũng đứng ngoài đường dòm vô, vì sợ đá rớt trúng lỗ đầu. Ba Toàn gỡ cái đèn Manchon xuống, rồi rủ thầy Tuấn cùng qua. Toàn cũng lót tót theo sau.
Theo lời ba Toàn kể cho thầy nghe, thì con ma này không biết thù oán gì với ông chủ nhà, mà cả tuần nay cứ đêm đêm, khoảng sau 10 giờ tối, là nó bắt đầu ném đá. Cứ khoảng năm bảy phút một cục. Loại đá to bằng nắm tay mà công chánh đổ hàng đống ven lộ, dân chúng hốt mỗi nhà một mớ về để dành mà đôi khi cũng không biết để làm gì. Ngoại trừ vài viên ngói bị bể, nạn nhân còn sợ và không ngủ được, vì cứ lâu lâu nó lại phang cho một viên. Thầy Tuấn hỏi:
- Có ai thù hằn với ông chủ nhà không?
- Không ngơ! Ổng bả già rồi, mà lại hiền khô, có một đứa con gái đi làm trên Sài Gòn mới về thăm. Đó, con nhỏ mặc áo màu hường kia kìa.
Toàn thấy cô hàng xóm đã ngoài hai mươi, ngoại hình không có gì sắc xảo, thì chắc không có cậu trai làng nào lại mất công tán tỉnh một cách rắc rối như vầy.
Đó, nó lại quăng một lúc hai cục, mà lần này ra sát mé trước quá làm bà con xô dạt té đùn cục, vừa té vừa cười. Bỗng có người hô:
- Lấy vôi, lấy vôi.
Họ quệt một chút vôi ăn trầu vô cục đá mà con ma mới quăng vào, rồi vừa ném đi xa, vừa nói:
- Tao đố mày tìm thấy cục này.
Trong tích tắc, cục đá có dính vôi được quăng trả lại liền. Mọi người kêu ré lên sợ hãi.
Thầy Tuấn nói nhỏ với ba Toàn, ông kéo mấy thanh niên theo rồi nói nho nhỏ:
- Nó không ở xa đây đâu, mấy cậu đi âm thầm tìm coi, một tầm ném xa của cục đá lớn cỡ đó không quá 50 thước đâu, tin tôi đi, thế nào cũng bắt được nó.
Chưa đầy 10 phút sau, đám thanh niên lôi về một anh trai làng cao lớn, da ngăm đen, chừng 20 tuổi mặt đang hầm hầm. Dân làng xúm bu lại:
- Ủa, thằng Đức!
Đức không tỏ vẻ gì sợ hãi, anh điềm nhiên trả lời hương chức trong làng:
- Dạ thưa, tôi không có thù oán gì ông Sáu Đáng, nhưng chỉ muốn cho cô Hai Thơm sợ không dám về làng nữa mà thôi.
- Sao lạ vậy, nó làm gì mày?
- Cổ không làm gì tôi hết, nhưng từ ngày lên Sài Gòn mần ăn, mỗi lần về dưới này cổ lại rủ rê mấy đứa con gái theo lên trên đó, mấy lần trứơc không nói làm gì, nhưng lần này cổ lại rủ con Thắm đi theo thì tôi chiụ sao được?
Ai cũng biết cặp này bồ nhau mấy năm nay rồi.
- Mấy đứa đó đi làm ăn, kiếm tiền về cho gia đình, vả lại con Thơm có ép buộc tụi nó đâu?
- Cổ không ép, nhưng cái tương lai mà cổ vẽ ra cho tụi nó thấy, rồi quần là aó lượt, nữ trang đeo nhỏng nhảnh, thì tụi con gái đẹp sẽ bỏ làng này mà đi hết. Rồi tụi tui chỉ còn trơ lại có mấy con nhỏ xấu như ma.
Đám thanh niên mới đi bắt Đức về đều gật đầu khen phải.
Thầy Tuấn hỏi:
-Sao anh chộp được cục đá mà họ đã đánh dấu vôi vô?
Đức cười:
-Tôi biết thế nào họ cũng thử coi có đúng là ma không, nên đã thủ sẵn một cục có bôi vôi, rồi quăng trả lại. Đâu có ai để ý, vì cục đá nào cũng giống cục đá nào.
Thầy cười:
- Anh thông minh lắm.
Rồi thầy nói với làng là nỗi tức giận của Đức cũng có phần phải, đáng được hưởng sự khoan hồng.
Sau cùng, tuy được tha, nhưng làng bắt Đức bồi thường mấy viên ngói bể cho nhà ông Sáu Đáng.
Về đến nhà rồi, ba Toàn mới nói:
- Thầy Tứng à, hồi nãy thầy khen thằng Đức thông minh, nhưng tui thấy thầy mới thông minh vượt bực đa. Từ trước tới nay mỗi lần ma ném đá là cả làng đều sợ. Nhưng nhờ thầy, từ nay ai cũng biết rằng không phải ma qủi gì, mà chỉ là ma nớp.
Toàn nhăn mặt;
- Thầy của con tên Tuấn, sao ba cứ kêu Tứng, Tứng hoài.
Thầy cười hiền hòa:
- Ấy, em cứ để cho ổng gọi. Thực ra người miền Nam mình phát âm chữ tuấn sao coi bộ khó khăn quá, mà ngay cả ông già của thầy cũng cứ kêu Tứng hoài. Rồi hồi làm giấy khai sanh, mấy ông trong làng vô sổ bộ cũng ghi là Tứng, cho đến sau này, khi học trung học, mấy người bạn cùng lớp chế diễu hoài. Họ giả đò khảy đờn: Tứng từng tưng, làm thầy tức nẻ ruột, phải ra toà xin chỉnh lại tên cho trúng.
Ba Toàn cười hể hả:
- Thầy nói đúng. Cái thằng Toàn này nó ỉ có văn hóa, cứ đòi chỉnh mấy ông già xưa hoài. Thôi, mình đi ngủ, để mai hai thầy trò về Sài gòn sớm cho mát.
Mấy mươi năm qua rồi. Ngày nay, thành phố Sài Gòn với biết bao tụ điểm Karaoke, bia ôm, khiêu vũ trường. Có bao nhiêu cô gái quê đã bị dụ dỗ vào nơi chốn tối tăm ấy, nhưng có còn cậu trai làng nào ném đá cảnh cáo không?
Mà dù có ném đá cũng không còn lăn cồng cộc trên mái ngói được nữa, vì ngày nay, thị trấn Tân hiệp đã làm nhà ba bốn tầng rồi. Sức nào mà ném cho tới?
Nguyễn Tân
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment