Tôi không ngờ Nhạc sĩ Bắc Sơn lại là người cùng quê, một miền quê ở tận trong rừng Cao Su xa thẳm, nhân đọc trang Hội Ái Hữu Dầu Tiếng, mới biết ông mới qua đời tại SG. Xin trích thư của Hồng Minh gửi cho người cô là bà quả phụ Bắc Sơn và tôi cũng xin viết ít giòng về loài rau đắng, như một lời tạ lỗi gửi theo linh hồn của người quá cố vì có lần tôi cho là ông đã lầm: Rau đắng chỉ mọc ngoài đồng chứ không mọc ở sau hè như rau càng cua, rau sam, rau dệu được.. Bây giờ thì tôi biết là chính tôi đã lầm!*Kính thưa Cô Ngọc Bích.Được hung tin, tác giả ca khúc Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, nhạc sĩ Bắc Sơn đã ra đi, cháu bàng hoàng, sửng sốt. Cháu không ngờ Dượng ra đi quá đột ngột. Lòng con đau xót, ray rứt vô cùng vì không về được để tiễn đưa Dượng đến nơi an nghỉ cuối cùng.Sự ra đi của Dượng là một mất mát lớn, một niềm đau cắt ruột cho Cô và các em. Con cầu xin Phật Bà ban cho Cô nhiều nghị lực, can đảm để Cô vượt qua cơn thử thách lớn nhất đời.Bây giờ, Dượng Bắc Sơn đã qua đời, Cô mất một người chồng chung thủy cũng là người tình muôn thuở, các em mất một người cha kính yêu. Riêng con đã mất một người dượng thân yêu, một người thầy mà con đã học được nhiều điều tốt trong đời. Nền âm nhạc Việt Nam vĩnh biệt một nhạc sĩ kiên trì, miệt mài với dòng nhạc mang âm hưởng dân ca, vẫn âm thầm tồn tại để nói lên những nỗi buồn vui của những người dân quê hiền lành, chất phác ở miền Nam mưa nắng hai mùa.Cô ơi! Những "Tình ca Bắc Sơn" cô cho con thuở nào nghe vẫn hay, bây giờ nghe lại rất thấm vào tâm hồn, nghe như nuối tiếc một vùng đồng quê miền Nam thân thương với hình ảnh những xóm nhỏ, làng quê, ruộng lúa, chái hè, góc bếp, túp lều tranh có con rạch nhỏ chảy quanh nhà với giậu mồng tơi trước ngõ, đám rau đắng sau vườn…. Lời ca rất bình dị, đơn giản nhưng sâu sắc, tinh tế và dịu dàng như ca dao. Nơi đó có những mối tình quê mộc mạc, thật thà:
Em thương anh, khói un gốc rạEm nhớ anh, gió thả lá vàngEm chờ anh, mòn mỏi lá ganEm giận anh, cơ man nào kể
Hay gần gũi hơn:
Em đợi anh như ruộng đợi phù sa.
Dượng Bắc Sơn sa đà những kỷ niệm thời thơ ấu, không quên những lúc nước ròng lội rạch, đạp bùn mò cá trạch nướng trui, những ngày đốt đồng, khói che mờ xóm cũ, những chiều “mưa heo gió mèo” (2) Dượng ngồi nhen bếp lửa hồng chờ mẹ ở ruộng sâu về hơ tay. Dượng vẫn nhớ, những đêm nằm nghe tiếng ếch nhái kêu, tiếng gió đưa bông sậy xào xạc, tiếng nỉ non con dế mèn, tiếng chó sủa trăng, tiếng vo ve của đàn muỗi là bản trường ca không lời bất tận, làm rào rạc, sống dậy tình quê, làm người nông dân thương ruộng lúa, nương khoai hơn. Ngoài tình khúc dân ca, Dượng còn sáng tác nhiều ca khúc về Mẹ. Tình yêu mẹ của Dượng tha thiết và bao la. Dượng không quên, lúc nhỏ, đầu tóc còn để ba vá muỗng vùa, cha đi "gánh nước non tang bồng" biền biệt, vắng xa. Dượng lớn lên từng ngày trong vòng tay mẹ vất vả, tảo tần, mưa dầm, nắng lửa trên đồng ruộng, mẹ vẫn vui, âm thầm nuôi con. Bây giờ, tóc bạc, phong trần, Dượng vẫn mơ về giấc ngủ trên tay, giấc ngủ bên chân mẹ.Dượng rất thương mẹ "Nếu chiều hôm, cơn gió có đẩy đưa, thà rụng bông xanh, đừng rơi chiếc lá vàng. .. Thà con mòn mỏi để Mẹ được bình an."
Tóc trắng bông gòn màu tuyết phủ.Tuổi già như bóng xế hoàng hônMáu khô rửa cạn chân mò mẫmVẫn sống hẩm hiu kiếp mỏi mòn.Con gái có chồng đi tứ xứCon trai đứa chết, đứa long đongMẹ nuôi con, biển hồ lai lángTình vẫn sâu, dù máu cạn dần…(Lời thơ,nhạc của Bắc Sơn)
Tình yêu mẹ đó còn nặng trĩu tình người. Dượng không chỉ yêu mẹ mình thôi mà còn cảm thương những bà mẹ khác, cùng cảnh ngộ, suốt đời lam lũ, niềm vui mong cho con được thành Người.Dượng rất hiếu với Mẹ… Chắc Cô còn nhớ:Khi hồi cư về quê hương Dầu Tiếng, gia đình mình nghèo và đông người. Ba con tiếp tục làm việc cho đồn điền, ngụ tại làng Barrack. Lúc đó Dượng làm thư ký ở cách nhà mình ba căn. Cô Dượng yêu nhau. Mối tình giữa hai tâm hồn nghệ sĩ rất mặn nồng, đưa tới hôn nhân rất nhanh. Cô về làm dâu được mẹ chồng thương yêu hết lòng nhưng không thể sánh bằng tình mẹ thương con, nên Cô cảm thấy thiếu một điều gì đó. Dượng rất yêu cô và thông cảm nên luôn giữ “chái bếp, hiên sau những lời ngọt ngào cho nhau" và bếp hồng luôn ấm mái nhà. Biết Mẹ thích truyện Tàu, dù bận việc của đồn điền, viết thơ văn Dượng vẫn dành thời gian đọc truyện Tam Quốc, Lục Vân Tiên hằng đêm cho mẹ nghe. Con đêm nào cũng qua nhà cô nghe ké...Nhưng miền cao su đất đỏ không giữ lâu bước chân lữ thứ cũa người luôn mơ "được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ" đã đưa Cô, Dượng đi khắp miền đất nước từ miền Đông, cây lành trái ngọt đến Cao nguyên se lạnh và miền biển mặn cát trắng. Hầu như tất cả nơi Cô Dượng ở, con đều đến thăm để nghe Dượng đàn hát những ca khúc vừa sáng tác và dạy con những nốt nhạc đầu tiên. Cây đàn guitar Dượng cho con vẫn tình tang, nghêu ngao hát đến năm 1975. Kỷ niệm ấy không bao giờ con quên.Dượng Bắc Sơn không những là một nhạc sĩ còn là một thi sĩ nên lời ca trong các ca khúc của ông đều có những vần thơ đẹp về cuộc sống và tình yêu. Dượng yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên và bác ái với tha nhân. Dượng thường ca ngợi tình yêu vì sống trên thế gian này, cuộc đời thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Tình yêu thắp sáng, thăng hoa và tô điểm cuộc đời tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn… Ngoài ca khúc dân ca, Dượng còn viết nhiều tình khúc. Vốn bản tính nhân hậu và rất nhạy cảm với tất cả mọi vật. Từ một cành phượng nhỏ mong manh đùa với gió, từ một tà áo trắng ở giáo đường đến một cô gái đẹp gặp nhau tình cờ, Dượng đều cảm tác thành những tình khúc tuy dang dở mà dịu dàng.Thái độ tình cảm của Dượng đối với người phụ tình mình thì không than van, không trách cứ, không oán giận hay điên loạn mà trái lại dịu dàng, tế nhị, bao dung, ngậm ngùi lặng lẽ chịu đựng tạo cho hồn nhạc có nỗi buồn man mác dễ thương.Về phần nhạc, Dượng rất thích cây đàn bầu mà Dượng đã học hỏi và nghiên cứu nhiều năm. Âm thanh của đàn bầu trầm buồn, nghẹn ngào, nức nở như tiếng lòng, là hồn của những tình khúc dân ca của Dượng có thánh thót rụng rơi những giọt đàn bầu:
Đàn bầu nhiễu giọt cho cuộc đời con cò trắng lặn lội bờ sông.Đàn bầu nức nở thương thầm những ai không còn mẹ để phải cứ mơ màng ngày thơ, giấc ngủ trên tay (Thơ nhạc Bắc Sơn))
Đàn bầu nhễu giọt xót xa người cùng khổ, quanh năm lo chuyện gạo trắng nước trong ..….Dượng Bắc Sơn đến với nghệ thuật với tấm lòng và đam mê. Hơn 50 năm sáng tác, Dượng đã viết hơn 500 ca khúc đủ thể loại còn có 80 kịch bản truyền hình cho chương trình Quê Ngoại do Dượng thực hiện, nói lên những nỗi lòng của người dân quê xa xứ vẫn nhớ về tuổi thơ của mình ở quê nghèo yêu dấu.Dượng viết không ngừng nghỉ, không mệt mỏi. Con được biết, một hai ngày, trước khi lìa đời Dượng đã cố gắng hoàn thành gần mười sáng tác. Có thể là Lời cuối cho em, lời cuối cho con hay cho Đời?? Dượng đã vĩnh viễn xa Cô rồi. Còn ai phổ nhạc những bài thơ cô viết! Cô không quên thuở ban đầu "bên trong e thẹn, bên ngoài ấp úng, và sợi tơ nhỏ xíu đã âm thầm trói hai tâm hồn nhạc và thơ" (lời thơ Ngọc Bích) hoà quyện nhau hơn nửa thế kỷ, một đời chung thủy, vui buồn có nhau, tình yêu đầm ấm:
Tình ta đẹp như biển ôm bờ đảo nhỏKhông bấp bênh như thuyền nhỏ neo đêm. (Lời thơ Ngọc Bích)
Mặc cho những thăng trầm của cuộc đời, mặc cho gió dạt nắng xô, tình yêu Cô Dượng vẫn nhân lên theo thời gian, có lúc cao như núi, bao la như biển cả. Trong niềm hạnh phúc ấy, đôi khi Cô Dượng lo vẩn vơ:
Chỉ sợ khi em thành núi biếc. Ngàn năm không thấy dấu chân anhChỉ sợ khi anh thành bụi cát. Ngàn năm,sóng vỗ, bọt biển tan. (Lời thơ Ngọc Bích)
Dượng thực tế và lo xa hơn "Nếu mai nầy, ta phải mất nhau. Hai ta ai buồn hơn ai. Ai đón nhận gia đình, còn lạnh lẽo, cô đơn .." (thơ nhạc Bắc Sơn) Giờ đây, Cô ở lại một mình "còn có ai ngăn chắn gió, đâu có ai che nắng, che mưa, bước mòn, bước mỏi, ai đón ai đưa" (Lời thơ Ngọc Bích)Nhưng Cô ơi!"Đâu có chi toàn vẹn. Đâu có chi miên trườngTình yêu cho dù là mật ngọt, cũng xa lìaThế nên bãi cát dài, ngàn năm, chỉ để bọt biển tan…"Một lần nữa …. Đàn bầu nhễu giọt khóc người góa phụ cô đơn thờ chồng nuôi con.Cuối thư, con cầu nguyện cho Cô luôn được bình an để tiếp tục "kiếp tầm nhả tơ"Con rất trân trọng nỗi khổ của Cô lúc nầy, nhưng xin Cô đừng bẻ gãy bút, đừng để mất tiếng thơ vì dẫu có quằn mình trong nỗi đau tuyệt vọng tối đen, nhưng Ngọc Bích vẫn lung linh sáng đễ đưa hồn thơ lên mãi, lên mãi… Đó cũng là ý muốn của Dượng lúc sanh tiền.Giờ đây, Dượng Bắc Sơn đã ra đi. Dượng đã để lại cho đời nhiều sáng tác bất hủ. Dượng mất rồi nhưng "Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè", "Sa Mưa Giông", "Em Đi Trên Cỏ Non" đã đi vào lòng người hơn nhiều thập niên qua và vẫn còn hát mãi với dòng thời gian qua nhiều thế hệ.Với tấm lòng của một người cháu, với tâm tình của người yêu "Tình ca Bắc Sơn", con xin mượn bài viết nầy được xem như một nén tâm hương để khóc Dượng kính yêu, để thương tiếc một nhạc sĩ, suốt đời tận tụy với nghệ thuật bằng một đam mê, một tâm hồn luôn tha thiết, hòa lẫn với từng câu hò, điệu hát của quê hương miền Nam.Hồng Minh, tháng 3/2005
NGƯỜI THƯƠNG RAU ĐẮNGNhiều người trong chúng ta nghe bài Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè thì cũng biết có một loài rau dùng để nấu canh ăn đắng lắm, nhưng hình dáng nó ra sao, loại này bán có mắc tiền hay không ... thì bù trất.Vào khoảng năm 1990, khi đang lái xe trên Freeway tôi nghe trên đài Little Saigon Radio bản nhạc Còn Thương Rau Đắng Mọc sau hè do Hương Lan hát mà tôi muốn khóc vì nhớ nhà. Tôi không biết Nhạc sĩ Bắc Sơn là ai, lại cứ tưởng rằng đó là một nhạc sĩ trẻ trong nước!Sau này lại nghe Hoàng Oanh ca bài Em Đi Trên Cỏ Non cũng cùng một làn điệu dân ca gây nhớ nhà ấy và từ đó cố tìm hiểu thì mới biết ông tên thật là Trương Văn Khuê, gốc người Dầu Tiếng, ông đã viết hơn 500 bài mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, nổi tiếng như Còn thương rau Đắng Mọc Sau Hè, Bông Bưởi Hoa Cau, Hoa Đào Năm Ngoái, Em Đi Trên Cỏ Non, Hai Mùa Mưa Nắng, Còn Thương Góc Bếp Chái Hè, Sa Mưa Giông... Chính những ca khúc mang đậm chất dân ca này khiến tên tuổi ông trở nên quen thuộc với nhiều người yêu nhạc......Sau này về Saigon, ông vừa là người đóng phim vừa làm đạo diễn và viết hơn 80 kịch bản cho chương trình Quê Ngoại trên đài THVN9 do ông phụ trách. Chúng ta hãy nghe:
-Nắng hạ đi mây trôi lang thang cho hạ buồn coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng
Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau
Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu rong chơi những ngày, đầu chừa ba vá miểng vùa đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa
Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm Chợt thèm rau đắng nấu canh
Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau
Xin sống lại tình yêu đơn sơ, rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng vùa đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa
Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh dạo quanh, khung trời kỷ niệm Chợt thèm rau đắng nấu canh ...
Ở ngoài chợ khu Little Saigon thường có bán một loài rau đắng, màu xanh lợt, thân tròn, lá nhỏ mọc quanh thân trông giống như cộng rau ngổ, mà người Nam kêu là rau mò ôm (đã mò rồi còn ôm nữa hay sao?) nhưng đó không phải là loại rau đắng mà nhạc sĩ Bắc Sơn nói đến trong bài hát nổi tiếng kể trên.Trong các loại dùng để nấu canh, mà ăn đắng nhứt có lẽ là nấm tràm, kế đó là khổ qua (mướp đắng) rồi mới đến rau đắng.Loại rau đắng cộng tròn mà xanh lợt hiện nay ở VN cũng có bán đầy ngoài chợ, nhưng người dân gọi là rau đắng biển và không được chuộng bằng rau đắng đồng.Các bạn thấy trong bài hát có nói tới "Coi khói đốt đồng..." vì ngày xưa ruộng đồng miền Nam chỉ cấy hay xạ lúa có một mùa, lúa xạ vào tháng 4 mà mãi tới tháng 12 mới chín vàng (8 tháng, trong khi lúa bây giờ có 70 ngày nghĩa là hơn hai tháng), bởi vậy ít có năm nào mà đem lúa về chất trên sân nhà trước Tết lắm. Lúc đó trên cánh đồng vắng tanh vì chỉ còn trơ gốc rạ vàng ươm, thỉnh thoảng mới thấy vài người đi đào chuột hay tát đìa mà thôi.Người ta chỉ cần một mồi lửa là đám đốt đồng cháy lan ra cả mấy tuần, đêm đêm lửa sáng rực bò dần từ bờ kinh đằng kia đến tận rặng tràm cuối ruộng đằng này cách nhau cả chục cây số. Hồi thập niên 60, rùa rắn còn nhiều, người ta nằm im phục kích dưới lung sẽ bắt được những loài này chạy trốn khói lửa, nhưng nếu chúng thấy bóng người là nằm ì lại có khi bị chết thiêu cũng đành.*Lung là cái gì?Đó là một lạch nước sâu, chạy ngoằn ngoèo trên cánh đồng, không trồng lúa trên đó được nên chỉ có bông súng, củ co, cây điên điển mọc mà thôi. Thỉnh thoảng cũng có những đám cỏ lăn, lác hay cây đưng mọc rậm ri trên đó có ổ gà đồng hay tổ con chim dòng dọc dài như chiếc vớ, nhưng hầu hết lung trống lổng, lâu lâu có mấy bè rau muống hoặc rau dừa xanh có mấy phao trắng mọc từ thân ra làm cho cây rau nổi trên mặt nước.Mỗi năm qua mùa Tết Nguyên Đán, nước trên đồng cạn khô nên bắt đầu nứt nẻ, nhưng nền đất dưới lung vẫn còn ẩm ướt. Từ nền đất ẩm này mọc lên hai loại rau hoang, đó là cải cúc đồng (tần ô) và rau đắng.Cúc đồng ăn có mùi nồng hơn loại trồng trong vườn, khi cây cúc già rồi thì thân phồng ra như củ đậu phọng, nhổ lên đưa gần vô tai nghe có cái gì gõ lục cục trong đó, tách ra thì thấy một con sâu đã sắp biến dạng thành con rầy cánh cứng.Hiện nay trên đường về miền Tây có rất nhiều quán cháo cá, nhưng hầu hết rau bày ra trên bàn là rau đắng biển, loại này y chang rau đắng bán bên Mỹ.Rau đắng biển bây giờ được trồng cách công nghiệp hay trong nhà kiếng, mọc mạnh, nhiều và có quanh năm, nhưng rau đắng đồng thì không như vậy, nó hiếm lắm.Tôi thấy chỉ có quán Cây Sung gần Cai Lậy là có rau này ăn với cháo cá lóc. Quán này cách đây hơn 10 năm chỉ là một cái lều quán lá, trước sân có một cây sung trái xanh đỏ đẹp và mát, vậy mà chỉ nổi danh vì một món cháo cá rau đắng thôi, sau 10 năm chủ nhân giàu lên thấy rõ, cơ ngơi bây giờ như một nhà hàng.Ngày tôi còn nhỏ, rau đắng mọc trên lung dầy đặc, xanh mướt và cao cả gang tay, trưa nắng chang chang mà mình nằm lên thấy mát lạnh và êm như một tấm nệm. Nếu cắt một khoảnh lung chắc cũng đầy cả chiếc xe bò.Rau cộng mảnh như rau răm, lá thuôn tròn và nhỏ hơn lá rau dệu, nó cũng hơi giống rau sam nhưng cộng nhỏ hơn, lá mỏng hơn và mọc lên cao chớ không lan ra sát mặt đất như cây rau sam.Từ ngày quê tôi đổi qua trồng lúa Thần Nông 2 mùa, thì không còn thấy rau đắng mọc lên nữa, vì ngay sau Tết là mùa rau đắng thì vụ lúa Đông Xuân đang có đòng đòng sắp trổ, ruộng còn ngâm nước rau mọc sao được.Hơn 35 năm rồi, rau đắng hầu như chìm khuất trong trí nhớ, vậy mà hồi tôi về thăm nhà, thấy rau đắng lại mọc đầy sau vườn y như trong bài hát của Nhạc sĩ Bắc Sơn.Sao lạ lùng vậy? Hồi trước đây nó chỉ mọc ngoài đồng, sau mấy mươi năm hạt giống từ đâu mà lại có trong vườn?Số là như vầy:Bây giờ không mấy ai lấp cái ao, cái đìa gần nhà bằng cách ra ruộng chở đất về nữa, vì ruộng đã bằng phẳng không còn đất gò và công chở đất về cũng mắc, nên người ta lấp bằng cát. Từng ghe cát đậu dưới sông hay kinh rạch, dùng máy bơm theo ống mà phun cát lấp đìa. Làm theo kiểu này gọn, rẻ mà sau này có muốn xây nhà trên đó cũng tốt vì cát dẽ ra làm nền móng tốt hơn bùn xình.Tuy nhiên vườn cát này trồng cấy cây gì trông cũng èo ọt lên muốn không nổi, người ta mướn nhân công "vác bùn" * lên đắp thêm trên mặt cát một lớp dầy khoảng hai ba tấc.Khi bùn khô rồi thì thành một lớp đất màu nên chuối, ổi, mía, mãng cầu xanh tươi trông thấy ... và dưới chân mấy cây trái này, một lớp rau đắng mọc lên. Truy nguồn cội thì ra hột rau đắng lẫn trong bùn từ ruộng chảy về ao, hoặc trôi ra sông rồi trầm tích ở đó, mấy mươi năm nay khi được vớt lên vườn nên nảy mầm mọc lại. Rau đắng bền bỉ y hệt như người dân quê chân lấm tay bùn, qua bao chiến tranh, biến động của thời cuộc rồi vẫn vươn lên, bám lấy mảnh đất quê hương để mà tồn tại.
*(Nghề vác bùn mới có chừng hơn 10 năm đây thôi, đó là một nhóm ba bốn người đi xe đạp qua các miền quê, đằng sau có ràng bọc quần áo và một cái thùng thiếc như cái thùng xách nước nhưng dài hơn.Khi ăn giá theo thước khối rồi, họ sẽ ở trọ tại nhà chủ vườn, làm một cái thang từ bờ xuống ao, dùng cái thùng thiếc đó mà nhận lút xuống xình rồi vác ngược nó lên mà đổ sắp lớp lần lượt cho từng khối bùn kế nhau như những ổ bánh mì. Họ lấy diện tích vườn nhân với chiều cao mà tính ra bao nhiêu khối đất đã "các" vườn lên cao.Phương pháp này không những nhanh, sạch sẽ vườn, làm ao thêm sâu, mà đất vườn thêm tốt nữa.)
Nguyễn Việt Tân
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment