Saturday, July 25, 2009

Mực Khổng Lồ Dạt Vào Bờ Biển Nam Cali.

Mực Khổng Lồ Dạt Vào Bờ Biển Nam Cali.

Nguyễn Viết Tân:
Viết du ký về cỏ cây chim cá ở xứ sở Huê Kỳ này.



Mấy bữa nay, một luồng nước nóng từ phía Mễ Tây Cơ đã đẩy từng đàn mực Giant Squid lên phía bờ biển của nước Mỹ, trải dài từ San Diego lên đến Quận Cam.
Đây là một loại mực khổng lồ, có con dài đến 5 feet và nặng mấy chục kí lô, con trung bình cũng to như bắp vế người lớn và cân nặng vài ba chục pound.

Chúng sống ở mực nước rất sâu, vùng nước ấm nóng của miền xích đạo, nhưng vào mùa hè, không biết vì lý do gì, thỉnh thoảng lại trồi lên mặt nước hàng ngàn con, rồi bị sóng xô đẩy dạt vào bờ cát.
Những đêm cuối tuần vừa qua, đứng ở Newport hay Balboa Pier người ta có thể thấy những tàu câu mực bật đèn sáng choang cách bờ không xa lắm. Giống mực dù to hay nhỏ, khi đêm về mà thấy nơi nào có ánh đèn là chúng bu tới, người ta chỉ cần câu bằng mồi giả là dính liền.
Trước kia ở VN khi chưa dùng hệ thống đèn điện để đi thẻ mực, ngư dân dùng đèn măng xông cũng đạt được kết quả rất khá.
Mực là loài nhuyễn thể không xương, nhưng nó có một cái mai hơi cứng, trong như một miếng plastic. Bình thường nó bơi đầu đi trước, nhưng khi bị tấn công, nó lại đi ngược, đuôi đi trước, bộ râu đi sau cùng. Từ miệng nó, một luồng nước từ trong bụng phụt ra như một ống phản lực, nên có thể phóng vùn vụt với tốc độ nhanh như một mũi tên, bởi vậy trong vũng nước (lagoon) như Dana Point, chúng ta thấy nó lờ đờ trên mặt nước như thế, mà chỉ cần đến gần định chụp bắt thì nó phóng cái rẹt, chỉ để lại một vùng nước đen ngòm vì bị mực phun ra.

Nếu dùng lao như thổ dân da đỏ, hoặc quăng câu loại lưỡi kép, kéo ngang qua nó thì bắt được dễ dàng lắm.



Những con mực to lớn khi bị sóng vật vào bờ cát, nó ráng hết sức bơi ngược trở ra, nhưng ít khi thành công, mà thường là bị đàn hải âu xà xuống, mổ ngay đầu rồi rút ruột ra mà ăn, còn để lại nguyên thân mình trên bờ biển.

Sáng nay Chúa nhưt, tôi ra biển sớm để chay bộ lúc gần 5g sáng, thấy người Mỹ khiêng những con mực còn sống mà quăng ra xa, những con bị tụi hải âu làm thịt thì họ lượm, dồn vào bao rác mà vất vào thùng.
Tôi thấy mực còn tươi rói mà họ bỏ đi như vậy thì tiếc quá, nhưng ái ngại không dám xin, mà cũng mắc cở không tự mình xách một con bỏ vô xe. Người Mỹ gọi con này là jumbo squid hay red delvil nên sợ nó lắm, mang găng tay rồi nhưng họ chạm vô nó một cách rất e dè như là nó có chất độc vậy.
Ngay kế bên Newport Beach Pier có một khu bán hải sản tươi. Lúc tám chín giờ sáng thì những tàu câu nhỏ mới về đến bến, họ đưa lên bán cua cá sống còn tươi, nhiều nhứt là cá hồng.
Hôm nay mực khổng lồ cũng nhiều lắm.
Tôi mua một con 40$, họ gói lại trong tờ báo, bự quá xá, vác lên nặng như bồng một đứa bé.
Đem về nhà luộc lên rồi, mình thái ra từng lát nhưng nó dầy lắm, lại phải xẻ đôi vì nó dầy gấp hai ba lần cái cùi dừa khô.
Tôi ra vườn hái rau húng, rau răm, tía tô, kinh giới vô ăn kẹp với mực chấm nước mắm gừng, ôi thôi mực tươi nó dòn, ngọt và ngon quá trời đất.
Nhớ hồi ở Đà Nẵng có lần tôi được đi săn mực nang ở gần chân núi Hải Vân, có con nặng cả chục ký, nhưng không thế so sánh với con mực loại khổng lồ này.
Ở VN, ngoài bạch tuộc cùng họ hàng với mực, thì có mực ống, mực lá và mực nang.
Con mực nang to, dầy nhưng ngắn, ở giữa thân có một cái nang trắng đục to cỡ bàn tay. Người ta phơi khô nang mực để bán cho mấy nhà làm men rượu để viên men được xốp. Cũng có người đốt cái nang này để hun khói dưới các gầm giường để trị rận và gián. Rận đang chui trong các khe ván, ngửi thấy khói thì chui ra và chết sạch.
Nói đến con gián tôi mới sực nhớ ra rằng, con gì ở bên VN cũng đều nhỏ hơn con cùng loại ở Mỹ, từ cá mú, mực, gà, heo ngựa v v...ngoại trừ con gián. Gián VN lớn như ngón tay cái, hôi tản thần, nhưng gián ở Mỹ lại nhỏ như hột gạo và khi mình lấy ngón tay dí cho nó bẹp ruột ra cũng không có mùi hôi, chứ con gián bên VN, mình cầm nó, móc vô lưỡi câu để câu cá bông lau, sau đó nếu không dùng xà bông để rửa tay thì ngửi vô muốn ói liền.

Bây giờ vô các nhà hàng đặc sản, trong thực đơn bao giờ cũng thấy có món mực phơi một nắng. Đó là loại mực khá to, ngư phủ phơi chỉ một nắng thôi, rồi lột da trắng bóc, sau đó mới cất trong tủ đá, khi ăn chỉ cần nướng sơ qua rồi xé ra mà nhậu. Món này thái ra cỡ ngón tay, ướp gia vị, rắc vô một chút bột rồi chiên lên ăn cũng rất ngon, nhất là trong dĩa có bày biện rau sống, hành cây, ớt chẻ, rau thơm, cà chua hoặc khế... cho món ăn thêm phần màu sắc đẹp đẽ. Trông hấp dẫn lắm lắm.




Người ta đồn rằng vùng biển Thái Bình Dương gần Nhật Bản có loài mực dài đến 20m, nhưng chưa có ai chụp được hình nó, mà chỉ có những con dài chừng 5m, cộng cả râu nữa mới được khoảng 13m mà thôi.
Loài mực lớn nhất thế giới đã được biết đến cân nặng đến 275kg, đó là con cái đang mang trứng, còn con đực thì nặng 150kg.



Mùa này, dân câu kéo ở Little SG khi ra bờ biển chờ mực vô, lại có cái thú vui là đem than củi ra đốt một đống lửa tại các fire pit, nướng BBQ hoặc bắp trái. Sau đó xách thùng đi bắt cá lòng tong.
Con lòng tong Grunion nhảy lên bãi cát để đẻ khi mỗi cơn sóng tràn vào.



Mùa hè khi thủy triều lớn nhất vào ngày 15 và 30 âm lịch, thì từng đàn cá lớn bằng ngón tay ào ạt đổ bộ vào bãi cát. Chúng thường chọn khu bãi nào hơi lài lài, im vắng, ít ánh đèn mà làm ổ đẻ.
Khoảng 9g tối, đàn cá gửi mấy anh scout vô thám thính trước, nếu thấy an toàn thì cả đàn mới kéo vô. Một con cá cái cắm đuôi xuống cát đẻ trứng, thì bốn năm anh chàng nhảy nhót chung quanh, xịt tinh trùng ra trắng như sữa.
Đợt sóng khác tràn tới thì những con cá khác lại thay phiên, nhảy lại y hệt một điệu vũ trời đất ban cho.
Nếu chúng ta mới thấy cá vô lác đác, mà đã vội hò reo đuổi bắt chúng, thì nó sẽ báo động và đàn cá sẽ kéo đi bãi khác. Bởi vậy nên đợi đến 10g đêm, lúc chúng đang say sưa mới ra bắt thì được nhiều hơn.
Gần hai tuần sau, cá con sẽ nở vì bãi cát đã được phơi nắng hơn mười ngày, đợt thủy triều cao nhất sẽ rước những con cá nhỏ này vào biển cả.
Cá này được phép bắt không giới hạn bao nhiêu con, nhưng chỉ được bắt bằng tay, cấm mang lưới, chài hay rổ rá theo.
Khi thấy đàn cá nhảy lao xao trên cát, người ta lo chộp con này, mắt láo liên nhìn con khác, thế nên khi đợt sóng khác đã tràn tới, mà có khi trên tay chỉ cầm được vài con.
Kinh nghiệm của dân VN thường đi bắt lòng tong như sau:
Vì họ cấm mình mang rổ, thì mình cầm theo một đoạn gỗ nhỏ như thanh vạt giường, hay cây thước thợ may. Khi cá đang nhảy lom xom, cứ dùng thanh gỗ này mà gạt một phát mấy chục con lên phía cao hơn, sóng có vô cũng chưa lên tới và sau đó chỉ cần tà tà lượm cá bỏ vô thùng.
Đi bắt một tiếng đồng hồ có khi được cả mấy thùng.

Chim trời cá nước ở đây sao nhiều thế, mà sao nơi quê hương tôi bây giờ, con tôm con cá lại đẫm đầy nước mắt của ngư dân đang phơi mình trong nắng gió Biển Đông?

1 comment:

  1. chú viết bài nào cũng hay lắm ạ...cảm ơn chú vì những bài viết đầy cảm xúc..

    ReplyDelete