Saturday, July 25, 2009

Nấm Mối

Mở trang Dầu Tiếng ra, thấy mình gởi nhiều bài quá, tôi cũng đâm ra ngượng với chính mình. Sợ rằng người ta nói rằng mình viết chẳng ra chi mà cứ viết hoài, nhưng trộm nghĩ Đức Khổng Phu Tử có câu:
-Hát hay không bằng hay hát!! (Có thiệt là của Khổng Tử không đó cha??)
Thì nay đành chữa mình như vầy:
-Viết hay không bằng hay viết!!
Mà quả thực vậy, nếu quí vị đồng hương mở máy lên coi, mà năm thì mười hoạ mới có một bài viết mới thì thất vọng biết bao, nhứt là tôi lại khoái viết chuyện về quê hương thì đâu cần chuốt câu văn cho láng làm chi, chỉ nghĩ sao viết vậy mà thôi, để bà con có bài mới mà đọc chơi.
Thú thực tôi viết mau lắm, chẳng dàn bài, nhập đề, kết luận chi hết, viết cứ như kể chuyện mà thôi, thế thì tại sao lại không ngứa mép kể chuyện quê xưa chớ.

Hôm nay tôi xin kể cho quí bạn nghe về Nấm Mối, một thực phẩm thơm ngon ở trong rừng cao su mỗi mùa mưa tới là đùn đất mọc lên.
Nếu ở ngoài chợ thì các bạn chỉ nhìn thấy nó khi người dân trong làng đem ra bán, hay má mình mua về xào nấu lúc mình còn đang ngồi trong lớp, về học hửi thấy mùi thơm lừng, bụng đói cồn cào hỏi liền thì má nói hôm nay có món mướp xào nấm mối.

Ở trong lô cao su thỉnh thoảng gò mối đùn lên lớn như cái mả, đi ngang lúc gần tối nhờn nhợn sợ ma thấy mồ. Người ta thường lấy cuốc chim đào vô gò mối, nạy ra vài cục lớn như cái thúng, ràng lên xe đạp chở về mà nuôi gà hay vịt con. Mỗi bữa dùng rựa hay búa bửa củi mà chặt tổ mối ra thành mấy miếng nhỏ bằng cái chén, đập vô nhau cạch cạch cho những con mối no tròn trắng như sữa rớt xuống đất, làm mồi cho gà vịt ăn. Vì chúng nhiều chất bổ lắm nên gà vịt ăn vô rất mau lớn.

Lúc đào vô giữa ổ mối, đôi khi ta bắt được một con chúa mối lớn như cẳng cái, trắng bóc và béo ú nu ú nần, đem về thả vô chén nước mắm cho nó uống no, rồi đem chiên hay nướng vàng ăn đều ngon cả.

Mỗi ổ mối chỉ có độc nhứt một con chúa mối mà thôi, con này y hệt ong chúa vậy, nó chỉ ăn rồi đẻ, mà nếu nó chết thì ổ mối sẽ tàn theo. Như vậy nếu mình đào bắt mối chúa đi rồi, thì thần dân của nó cũng dần dần chết hết và vì không còn thần dân thay thế nên ổ mối sẽ thành nhà hoang, tàn tạ rồi mục rã theo năm tháng.

Năm ba năm sau, nấm mối sẽ từ gò mối mục này mà mọc lên.

Tháng tư mưa ầm ì đi kèm theo sấm sét, gió lốc quật cành cao su ngã rạp có khi gẫy gập từng luống mấy trăm cây, nước tuôn tràn làm đám lá khô rụng dầy cả tấc từ mùa đông trước dính bẹt vào nhau, và nếu thấy đám lá nào bị đội lên cao bất thường, hãy bới ra thì chắc chắn là có hàng hàng lớp lớp nấm mối đang nhú lên, có khi nhổ một đám mà được mấy thúng.

Cây nấm mối lớn hơn cây nấm rơm rất nhiều, có cái nở xoè ra lớn như bàn tay người ta, nhưng khi nở ra rồi thì ăn không ngon bằng khi nó còn mum múp, mà nếu đã nở ra vài ngày, thì hương thơm của nó sẽ hấp dẫn ruồi lằn, bay đến đẻ trứng vào phía dưới nảy sinh dòi tửa coi ghê lắm.

Hồi tháng bảy năm vừa qua, trở về làng Năm thăm quê thì chị dâu tôi và mấy đứa cháu đãi món bánh xèo nhân nấm rơm thơm lừng, nhưng sao loại nấm này nhỏ và dài quá, không giống như nấm ngày xưa tôi đi hái, không biết đây có phải là loại họ trồng công nghiệp hay không.

Trước khi vào làng, chúng tôi dừng xe lại chỗ chợ sát ven đường, mua được một con cá trắm gần 10kg, nhờ người bán cá làm sạch sẽ rồi xách vô nhà chị tôi mà hấp với kim chi nấm mèo và bún Tàu. Thiệt cả gần hai chục người mà vì đã có bánh xèo rồi nên khi món cá đem ra ăn không hết một nửa.

Hồi xưa khi cây cao su bị bão làm ngã gục, cành cây gẫy thì dân chúng lấy về làm củi, thân cây to lớn vẫn nằm đó tháng này qua năm khác nên phía dưới ẩm ướt nấm mèo mọc lên từng đám, người ta ăn nấm tươi không hết thì phơi khô để dành. Bây giờ trong lô cao su sạch bách, mỗi khi cây đổ dù nhiều hay ít thì có xe chuyên dụng của sở vô cắt gọn, cành nhỏ thì xay ra làm ván mạt cưa, thân cây thì đem về nhà máy cưa vòng thành từng lớp mỏng mà dán lại như ván ép, mà ván này mắc hơn ván thông rất nhiều.

Gỗ cao su màu trắng có vân rất đẹp, nếu không có kỹ thuật tân tiến ép nước, dán keo thì nó mềm không sử dụng để làm bàn ghế giường tủ được.
Tôi còn nhớ ngày còn nhỏ thấy những lô cao su già không còn năng xuất, thì hãng Michelin dùng hai xe máy kéo lớn, ràng nhau bằng một sợi xích sắt rồi chạy hai bên hàng cây cao su to lớn, chúng bị kéo bật gốc đổ chồng lên nhau. Mấy tháng sau họ đốt hết cây khô mà trồng cao su non, còn bây giờ người ta tận dụng cả rễ nó xay ra làm gỗ. Điều này rất tốt vì rừng VN đã bị tàn phá quá nhiều, đừng nói chi đến gỗ để làm nhà cửa hay bàn ghế, chỉ lượng bột giấy in báo thôi thì mỗi năm bao nhiêu mẫu rừng đã bị phá huỷ (?)

Bây giờ trở lại cây nấm mối. Nếu hái được nhiều thì không nói làm chi, còn nếu ít thì xào với mướp, hay tuyệt nhất là xào với bông mướp. Bông mướp không mọc từng cái như bông bí, bông bầu mà mọc thành chùm có tới vài chục nụ, mỗi ngày nó nở một bông (Đến đây tôi nhớ câu thơ: Giàn mướp hoa vàng thương nhớ anh). Bông mướp xào ngoài sự bùi, ngọt ra nó còn có mùi hương rất thơm.

Mấy đứa con gái chơi nhà chòi mà lấy mấy cây nấm mối, rửa sạch, gói trong lá mướp rồi bỏ chút mỡ hành muối tiêu vô, gói lại rồi đem nướng thì mấy đứa con trai đang đánh khăng, đá dế gì gần đó cũng theo hương thơm mà lần tới xin ăn chực, dù chỉ được một miếng nhỏ mà thôi.

Còn có một loài y hệt cây nấm mối, nhưng không mọc thành từng đám mà chỉ đơn lẻ từng cái gọi là nấm mồ côi, người nào không biết nhổ lên để xào hay nấu cháo thì nó vẫn thơm ngon như nấm mối, nhưng ăn vào chừng 10 phút sẽ nhức đầu chóng mặt, sau đó là "thượng thổ hạ tả" nếu không được giải độc kịp thời thì thường đi đến tử vong.

Người Lào khi định cư ở vùng rừng núi Cali hay Oregon thường đi hái nấm về ăn, họ cũng đã từng được "lên TV" vì ngộ độc do nấm. Khi được phóng viên hỏi sao dám ăn, thì họ nói đã thả nấm vô nước vo gạo mà nước không biến thành màu vàng nên biết là nó không có độc tố!

Qua Mỹ rồi, nấm đủ loại bán đầy ngoài chợ, sạch sẽ trắng bóc mà sao tôi không thấy chúng có hương thơm gì hết, ăn không ngon như những cây nấm của quê xưa (?)

No comments:

Post a Comment